MÙA NẮNG THƠM

Cập nhật: Chủ nhật 16/10/2022 - 16:45

Chất xong những bó lúa nếp non vừa gặt làm cốm lên thùng xe bán tải, ông Giang cầm chiếc khăn vắt ngoài cửa xe lau mồ hôi, phấn chấn nhìn cánh đồng làng. Mùa này lúa đã qua thì con gái, những thửa ruộng như đang chuốt màu nắng tô nên sắc vàng. Tới bên gốc cây nhội để sẵn chiếc điếu cày từ sáng, ông vê một nhúm thuốc lào nhét vào nõ điếu, chậm dãi châm lửa hút và ngửa cổ nhả khói. Làn khói bay ngang la đà vấp nắng nhấp nhánh.

- Bố con mình về thôi, sắp đến giờ khách hẹn nhận hàng - Lan, con dâu ông từ dưới ruộng lên, mồ hôi lấm tấm rịn trên mặt.

Ông Giang chưa kịp mở cửa xe, Lan đã nhanh nhảu xin chìa khóa:

- Để con chở bố về, con vòng lại chuyến nữa rồi sang nhà ông Ngần xem mẻ cốm mới xong chưa…!

Ông Ngần cũng là thành viên của hợp tác xã, con ông tốt nghiệp đại học ra trường công tác tại Hà Nội. Với mong muốn đưa sản phẩm của làng đi xa, con ông tình nguyện đảm nhận việc quảng bá, giới thiệu một số loại nông sản trên địa bàn Thủ đô.

Mấy chục năm trước ông Giang là bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Đóng quân bên bản làng người Tày. Tình yêu của ông với cô gái miền sơn cước nảy nở, hai người nên vợ nên chồng. Cách làm cốm hiện nay của làng cũng được vợ ông mang về từ quê ngoại.

Nhiều đời nay làng quê ông Giang vẫn giữ được giống nếp vải, thứ nếp có hương vị thơm ngon và chất gạo dẻo quánh. Loại nếp này làm cốm có màu xanh lá tự nhiên, ngọt thơm của mùi sữa lúa nếp non. Thời gian đầu chỉ vợ chồng ông làm cốm nếp vải. Cốm làm xong bà cho vào thúng, bên trên xếp vài chiếc lá sen mang ra chợ bán. Cốm gói lá sen bà học theo phim ảnh và ao làng sen có sẵn, chứ quê ngoại bà hồi xưa lá sen rất hiếm. Thấy cốm bán tốt, bà hướng dẫn một số nhà trong làng cùng làm.

Cách làm cốm không quá khó, nhưng đòi hỏi phải công phu. Lúa nếp để làm cốm là nếp non, hạt lúa chắc xanh ngả màu vàng nhạt, bấm ra sữa. Lúa gặt về tuốt hạt, sàng bỏ rơm và những hạt thóc lép, đãi qua nước rồi cho vào chảo rang. Bếp lò để rang cốm không đốt than mà dùng củi, chảo rang thường bằng gang đúc. Cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục cho nóng đều khoảng 30 phút.

Thóc rang xong đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã. Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước tính, trung bình khoảng 7 lần giã là hoàn tất. Người giã cốm thường giã đến lần thứ 5 thì phân thành ba loại: Cốm rón, cốm non và cốm gốc, sau đó mới giã riêng từng loại trong hai lần cuối…

Trong một cuộc họp chi hội cựu chiến bình bàn về phát triển kinh tế hộ gia đình, một số hội viên đề nghị ông Giang thành lập tổ hợp tác làm cốm nếp vải. Tổ hợp tác làm cốm ra đời từ đó và ông Giang được cử làm tổ trưởng.

Lan ngày ấy mới về làm dâu và đang là giáo viên dạy trung học cơ sở. Biết tổ hợp tác của ông ít người sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính bảng, cô đã giúp quản lý việc giới thiệu và bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội.

Ít năm trước, giữa vụ cốm đột nhiên việc tiêu thụ chững lại. Lan tìm hiểu và được biết một số người ở đâu đó đã sử dụng hóa chất, phẩm màu để hồ cốm mộc cho có màu xanh đẹp. Họ còn cho đường hóa học để cốm có thêm vị ngọt. Lan nói với ông:

- Bố và các bác nên thành lập hợp tác xã. Theo xu thế hiện nay, sản phẩm phải đăng kí bảo hộ thương hiệu hàng hóa, làm nhãn mác, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc. Các công ty cũng không thể kí hợp đồng nếu đối tác không có tư cách pháp nhân…

Sau nhiều ngày suy nghĩ, tìm hiểu cặn kẽ mọi mặt, ông Giang quyết định nghe lời con dâu. Đề án thành lập hợp tác xã nông sản nhanh chóng được các cấp chính quyền chấp thuận và tạo điều kiện hoạt động.

Những năm qua, địa phương đã cùng hợp tác xã xây dựng vùng trồng lúa nếp vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã cũng đã xây dựng hoàn chỉnh nhà xưởng lắp đặt thiết bị thay thế dần việc làm cốm thủ công, mua sắm các loại máy hút chân không, sấy khô, sấy lạnh cốm và một số nông sản. Nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc cũng đã được thiết kế, in ấn hoàn chỉnh.

Sản phẩm cốm sấy đã được nhiều nhà hàng, cơ sở sản xuất đặt mua sử dụng quanh năm làm chả cốm, chè cốm, bánh cốm, xôi cốm… Gạo nếp vải của hợp tác xã đóng gói theo từng cân, có bao bì sang trọng để người tiêu dùng dễ sử dụng và thích hợp làm quà biếu tặng.

Nghe tin người bạn đồng ngũ năm xưa dưới xuôi có nghề làm rượu đòng đòng lúa nếp, ông đã về học hỏi. Đòng đòng nếp là phần bông lúa nếp non mới trổ đòng còn nằm trong bẹ lá có màu trắng hơi xanh. Thu hái về đòng đòng được làm sạch, hút chân không, cho vào vại sành hoặc bình thủy tinh để ngâm rượu kết hợp làm vật trang trí.

Thử nghiệm sản xuất rượu đòng đòng lúa nếp vải, toàn bộ sản phẩm làm ra của hợp tác xã đều tiêu thụ hết. Rượu đòng đòng lúa nếp được nhiều người yêu thích bởi hương vị ngọt ngậy, thơm mát của sữa nếp. Giá trị một sào canh tác lúa nếp vải làm rượu đòng đòng và cốm cao hơn nhiều sản xuất gạo nếp và các loại gạo thông thường.

Ngoài cô con dâu tham gia tích cực hỗ trợ đưa sản phẩm của hợp tác xã lên sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại, hội chợ nông sản và mạng xã hội cũng được ông Giang và nhiều hộ dân từng bước tiếp cận.

                                                *  *  *

Giao xong lô hàng cốm, ông Giang múc ca rượu đòng đòng từ chiếc chum sành kế bên rót ra chén. Bên ngoài chiếc xe bán tải chở đầy những bó lúa non do Lan lái vòng vào sân. Cửa xe mở, ông Ngần bước ra hồ hởi:

- Ngót nửa cây số vẫn thơm, chả trách ai cũng say trồng nếp vải. Đón chén rượu, ông Ngần phấn khởi: Tôi bám xe con Lan chỉ để báo với ông, lô hàng cốm hôm trước chuyển đi, daonh nghiệp tại Hà Nội ưng ý lắm. Họ muốn đến ký hợp đồng mua cốm dài hạn. Thằng con tôi đang cùng họ về đây…!

Tiếng chạm chén, tiếng cười lan ra sân nắng. Làn gió nhẹ thoảng qua làm những tia nắng dưới vòm cây nhảy nhót. Dường như cả nắng cũng thơm mùi cốm nếp non.

Truyện của PHAN THÁI
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: