NGƯỜI COI THƯ VIỆN

Cập nhật: Chủ nhật 17/04/2022 - 11:40
 Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Tên lão là Trần văn Hân, vậy mà chả biết đứa ác mồm nào lại gán cho lão cái biệt danh là Hân Mắm Tôm. Vì sức khỏe yếu nên lão được ban giám đốc cắt cử vào một việc hết sức nhàn hạ là coi thư viện. Nhiều người tỏ vẻ ganh tị, rằng chắc lão dựa vào mối quan hệ thân quen để được điều vào công việc đấy. Nhưng thực ra chân coi thư viên chẳng béo bở gì. Bằng chứng là đã có mấy người vào làm, ông thì đôi tháng, bà thì gắng được nửa năm đã lên báo cáo: “Thôi cho em ra làm lao động, chứ ở trong này bí bách lắm”.

Từ khi lão Hân Mắm Tôm đảm nhận việc coi thư viện thì thấy sự ngăn nắp hiếm có. Mấy chục cái kệ sách cao quá đầu người, mỗi kệ có đến mười ngăn xếp các loại sách, vậy mà kệ nào của người lớn, kệ nào của thiếu nhi đều được để riêng biệt đâu ra đấy. Vì là thư viện nội bộ nên ai đến mượn sách đều phải ghi rõ họ tên, bộ phận làm việc. Nếu là con em của cán bộ, công nhân thì phải ghi tên bố mẹ.

Nhớ ngày đầu tiên, mẹ đưa tôi đến thư viện. Vừa bước vào cửa, tôi đã nhìn thấy một người nhỏ thó, cái lưng khòng khòng, vạt áo được nhét bên trong cái cạp quần ka ki đã cũ nhưng rất phẳng phiu, cái thắt lưng cao lên tới tận ngực. Kì dị nhất là cái kính lão trễ xuống như đeo cho hai lỗ mũi, hai mắt nhướng lên, đầy vẻ xét nét. Trông lão vừa giống một ông giáo nghèo khắc khổ lại vừa giống ông thợ sửa khóa ngoài chợ. Trong khi mẹ tôi đến làm thủ tục đăng ký xin thẻ đọc thì tôi đã hấp tấp nói:

- Bác cho cháu mượn “X30 phá lưới”.

Không ngẩng đầu, chỉ nhướng cặp mắt qua cái gọng kính, lão kéo dài giọng:

-  Bao - nhiêu - tuổi?

- Cháu 11 tuổi ạ!

- Vậy mời sang dãy dành cho thiếu nhi.

Tôi nằn nì:

- Cháu thích truyện ấy mà.

Giọng lão sắt đanh lại:

- Đã bảo mời sang dãy thiếu nhi! Đọc sách phải đúng lứa tuổi mới có tính giáo dục!

Bao nhiêu năm gắn bó với thư viện, ngoài những câu nói như sắt va vào gang của lão, chưa bao giờ thấy lão cười vui vẻ với một ai. Bởi vậy, lũ trẻ con chúng tôi mỗi lần bước chân đến thư viện thì luôn đi nhẹ nói khẽ và nhất là khi cầm sách phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Nếu không, chỉ một cái nhăn mặt của lão Hân thì lần sau khó mà đến mượn nổi một cuốn truyện. Thú thật, tuy lão cũng có một vài ưu điểm, nhưng lũ trẻ chúng tôi không thích lão, nếu không muốn nói là có phần sợ hãi. Nếu không vì mê sách thì chúng tôi không bao giờ bén mảng đến với lão Hân Mắm Tôm ấy.

Tuy ghét lão nhưng chúng tôi phải thừa nhận lão có cái đầu “siêu cao thủ”: Nhớ vanh vách tất cả tên sách. Cuốn nào còn nằm trên giá, cuốn nào ai đã mượn rồi… Đến thư viện, chỉ cần nói: “Bác cho cháu mượn Đảo giấu vàng”, thế là lão trả lời ngay “có” hoặc “đã có người mượn”. Không sai một li. Trăm lần như một.

Nói về quý sách, nếu lão là thứ nhì thì không có người đứng thứ nhất. Ai đến trả sách mà bị quăn mép hay rách là phải đứng một lúc lâu để nghe lão giảng giải về “ý thức bảo vệ của công”, về “sách là vốn quý của nhân loại”… Còn như trót làm mất thì phải đền bằng một quyển khác tương đương chứ lão không bao giờ nhận đền bằng tiền mặt, và phải chịu hình phạt một tháng không được mượn sách.

Nhiều người được chứng kiến lão nâng niu, vuốt ve từng quyển sách cứ như con của mình thì bàn tán có khi lão bị hâm. Cái lần thư viện bị chập điện cháy, một mình lão lao vào cứu sách, bị bỏng phải nằm bệnh viện cả tháng trời. Không ít người bảo, đánh đổi cả tính mạng vì mấy cuốn sách đâu có đáng. 

Mọi người còn được mục sở thị trận lụt năm ấy cả nhà máy mênh mông nước, thư viện cũng bị ngập qua cửa sổ. Lão lại một mình mò mẫm trong đêm đưa từng cuốn sách lên ngăn trên. Hôm sau nước rút, lão ra nhặt từng quyển đem lên sân trạm xá nhà máy, nhẹ nhàng lật từng trang phơi sách, vừa phơi, vừa rơi nước mắt xót xa như thấy con mình đang run vì lạnh. Trận lụt ấy, thư viện mất vài trăm cuốn sách quý, lão thì ốm nặng, phần do ngâm mình dưới nước suốt đêm, rồi cả ngày hôm sau ngồi giữa nắng tháng Sáu để phơi sách. Phần nữa, hẳn vì lão quá đau đớn nuối tiếc những cuốn sách bao năm tháng gắn bó cùng lão giờ hóa thành một đống bùn nhão. Gặp ai lão cũng than vãn: Đừng tưởng sách chỉ là giấy. Chúng cũng có linh hồn. Trong các trang sách đã hiện lên biết bao mảnh đời oan trái, bao nhiêu mối tình chung thủy, bao nhiêu gương sáng của các thế hệ...

Bệnh lão mỗi ngày một nặng thêm. Hơn tháng sau thì lão trút hơi thở cuối cùng. Con người yêu sách như con ấy đã đến lúc phải chia tay với cái thư viện bé nhỏ của mình.

                                                      * * *

Hơn ba mươi năm sau, tôi, cô bé vẫn thường xuyên đến mượn sách ở thư viện của lão Hân Mắm Tôm đã trở thành một nhà văn. Sự thành đạt của tôi hôm nay chắc chắn được xuất phát từ những cuốn sách trong cái thư viện bé nhỏ cùng người coi thư viện khó tính ấy.

Tôi đến thư viện với một hy vọng nó đã trở thành một thư viện lớn. Vậy mà vị giám đốc thế hệ thứ hai của nhà máy buồn rầu nói với tôi:

- Tưởng việc coi thư viện đơn giản có thể giao cho bất cứ ai. Nhưng kể từ ngày ông Hân mất, thư viện giống như cái cây héo dần, không sao cứu vãn nổi. Những cuốn sách cứ theo năm tháng mất mát. Rồi người đọc mỗi lúc một thưa - giọng vị giám đốc trầm hẳn xuống -  Bây giờ, thư viện đã mất hẳn rồi chị ạ. Thế mới biết, có những con người rất bình thường nhưng sự ra đi của họ đã để lại một khoảng trống không gì bù đắp nổi.

Tôi nhìn cái nhà thư viện hôm nay đã biến thành cái nhà kho chứa đồ phế thải, buồn bã nhớ lại hình ảnh Lão Hân tấm lưng lòng khòng, vạt áo được nhét bên trong cái cạp quần ka ki đã cũ nhưng rất phẳng phiu, cái thắt lưng cao lên tới tận ngực, cái kính lão trễ xuống như đeo cho hai lỗ mũi, hai mắt nhướng lên, đầy vẻ xét nét.

Truyện ngắn của Tiết Minh Hà
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: