Những người bạn

Cập nhật: Thứ hai 27/11/2017 - 10:46
 Tranh: Thanh Hạnh.
Tranh: Thanh Hạnh.

Trần Khuê, Nguyễn Khang và Phạm Tư là những người bạn thân. Tuy không cùng quê nhưng là bạn đồng khóa, cùng trong một trường đại học danh tiếng của Liên bang Xô viết, vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Ở nơi đất khách, tình quê hương đã kết nối họ lại thành những người bạn thân thiết, giúp đỡ nhau trong học tập. Sau khi về nước công tác, tuy ở các cương vị và chức vụ khác nhau nhưng họ vẫn thường xuyên liên lạc và chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.

Trong bộ ba ấy, ông Trần Khuê là người chín chắn hơn cả. Tuy học lực có phần hơi yếu hơn hai người bạn của mình nhưng bù lại, ông là người biết nhìn xa, trông rộng, có con mắt tinh đời, thấy trước được thế cuộc nên con đường hoạn lộ khá hanh thông.

Nguyễn Khang và Phạm Tư giỏi chuyên môn nhưng tính tình bộc trực hơi thái quá nên người yêu cũng nhiều mà kẻ ganh ghét, đố kỵ cũng không ít. Vì thế, lẹt đẹt mãi mới lên được chức tổ phó trong một đơn vị sản xuất nhỏ.

Trần Khuê thì khác, ra trường hai năm đã được kết nạp vào Đảng, bốn năm sau đã là trưởng phòng kỹ thuật, rồi phó giám đốc, giám đốc một đơn vị kinh tế nổi tiếng trong nước. Công việc đang thuận lợi như diều gặp gió thì bỗng dưng ông xin đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, trước sự ngạc nhiên của các bạn đồng nghiệp.

Đêm nằm Trần Khê thủ thỉ bảo vợ:

- Mình chịu khó vất vả vài năm, nuôi con và lo cho các cụ ở quê để tôi yên tâm học tập, sau này tôi sẽ báo đáp.

Hôm liên hoan tiễn ông sang Liên Xô, nhiều người đến chúc mừng, tất nhiên có cả Nguyễn Khang và Phạm Tư. Khi mọi người đã về hết ông mới dốc bầu tâm sự với hai ông bạn chí cốt:

- Đất nước mình bây giờ khác rồi các ông ạ. Làm cán bộ là phải vừa hồng, vừa chuyên. Hồng thì tôi không lo. Là đảng viên, lại sống cần kiệm, liêm chính, không tham ô, lãng phí, được các anh ở trên bộ tin tưởng tuyệt đối. Riêng khoản chuyên thì nói thật là mình hơi đuối. Đợt đi học này là do bộ xét và gửi đi, nếu thi thì chắc gì mình đã được. Thôi thì sang đấy lấy cái bằng phó tiến sỹ rồi tính sau.

Nguyễn Khang và Phạm Tư cảm thấy hết sức khâm phục chí tiến thủ của bạn. Và thời buổi này mà dám từ bỏ một địa vị đang có giá như vậy để đi tu nghiệp thêm là rất hiếm.

Sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ở Liên Xô, Trần Khuê được điều về bộ, làm chuyên viên ở một vụ kinh tế. Ngày ấy, Nguyễn Khang và Phạm Tư nghe tin đồn là Trần Khuê đã phải lo lót hết cả một chuyến hàng áo bay Nga, đồ nhôm, đồ điện, điện tử... đem từ Liên Xô về mới có nổi cái chỗ ngồi béo bở ấy. Hai ông cũng hiểu là xã hội lúc bấy giờ đã bắt đầu có những chuyện hối lộ, mua quan bán tước, nhưng với người như Trần Khuê thì các ông tin là không thể có những việc đồi bại ấy. Từ ngày quen biết đến nay và cả trong thời còn làm giám đốc, các ông chưa bao giờ thấy Trần Khuê tơ hào một chút gì của tập thể, chưa hề nhận về mình cái gì không thuộc về mình. Nguyễn Khang và Phạm Tư nhớ lại hôm ra đón bạn ở sân bay, Trần Khuê vừa đưa tặng hai ông bạn thân mỗi người một chiếc cà vạt Nga vừa nhăn nhó phân bua là sang đó chỉ chuyên tâm vào học, không làm thêm được gì nên cũng túng bấn lắm, mong hai bạn thông cảm. Hai ông phải nói một hồi lâu Trần Khuê mới thấy nguôi ngoai và vui vẻ trở lại.

Một thời gian sau, nhà nước xóa danh hiệu phó tiến sĩ, Trần Khuê đương nhiên trở thành tiến sĩ và sau đó ít lâu được đề bạt giữ chức cục trưởng một cục của bộ, có văn phòng thường trực ở thành phố Hồ Chí Minh.

Từ ngày ở cương vị mới, ông Khuê bị cuốn vào công việc nên bạn bè cũng ít khi được gặp nhau.

Nền kinh tế thị trường làm cho cuộc sống của nông thôn và thành thị thay đổi từng ngày. Đồng thời nó cũng như một làn gió mạnh quét sạch những gì là vật cản trên đường. Có người gọi là sự đào thải. Quy luật nghiệt ngã ấy cũng không né tránh Nguyễn Khang và Phạm Tư. Hai ông nhận quyết định về hưu cùng một đợt, khi chưa đủ sáu mươi tuổi, do cơ cấu, sắp xếp lại cán bộ.

Ngày hai ông nhận quyết định về hưu thì ông Trần Khuê bất ngờ xuất hiện, mừng vui không thể nào tả xiết. Cả ba lại có dịp hàn huyên, tâm sự hết mình.

Qua câu chuyện, Nguyễn Khang và Phạm Tư được biết tuy Trần Khuê có chức, có quyền, nhưng gia đình cũng ở dạng “tầm tầm bậc trung”. Căn nhà hai tầng nằm trong một khuôn viên thoáng mát. Cuộc sống của cả gia đình vẫn đạm bạc như xưa. Điều làm cho Nguyễn Khang và Phạm Tư lấy làm thích thú là tuy tóc đã điểm bạc nhưng Trần Khuê vẫn giữ được vóc dáng như ngày xưa, không phương phi béo tốt, bụng phệ như hầu hết các ông sếp khác.

Gần tàn cuộc nhậu, Trần Khuê nheo nheo mắt tâm sự:

- Mình là lãnh đạo thật đấy, nhưng tay không nhúng chàm nên cuộc sống chẳng khá giả gì, vì vậy không giúp được nhiều cho gia đình và bạn bè. Gia cảnh có khá hơn hồi trước một chút đấy nhưng nhìn lên thì cũng thấy tủi hổ lắm.

Hai ông bạn già chạnh lòng thương bạn. Lao tâm, khổ tứ học hành, phấn đấu trọn đời mà đến giờ xét về kinh tế Trần Khuê cũng có hơn gì hai ông đâu. Thôi âu cũng là tại cái số, đành chịu vậy.

Hôm sau tiễn bạn ra tàu, ở sân ga, nhìn dáng bước còng còng, cái dáng bước của người lầm lụi, gian truân, bất đắc chí…của Trần Khuê, hai ông có chút bùi ngùi nhưng trong lòng lại pha chút tự hào. Ở cái thời buổi này làm một ông quan thanh liêm, chính trực như Trần Khuê đâu phải dễ.
                    
                    *   *   *

Sáng nay bỗng nhận được tin Trần Khuê bị công an kinh tế bắt, Nguyễn Khang và Phạm Tư cảm thấy như sét đánh ngang trời. Có lâu la gì đâu, vừa mới chia tay nhau ở sân ga chưa được sáu tháng. Chắc chắn là có sự nhầm lẫn gì chăng.

Hai ông tức tốc lên tàu đến nhà Trần Khuê để hỏi thăm tin tức. Đến nơi, căn nhà vắng lặng và đã bị niêm phong. Mảnh giấy dán chéo qua hai cánh cổng, con dấu đỏ vẫn còn tươi rói.

Hàng xóm cho Nguyễn Khang và Phạm Tư biết ông Khuê có vợ bé trong Miền Nam và nghe đâu tham ô nhiều tiền của nhà nước lắm, vì ăn chia không sòng phẳng nên có đứa nó phản thùng, làm đơn tố cáo lên công an. Hiện nhà cửa trong Nam, ngoài Bắc đều đã bị niêm phong. Cô vợ bé thì đã nhanh chân ôm một cục tiền cùng thằng con trai chuồn ra nước ngoài rồi.

Hai ông Nguyễn Khang và Phạm Tư nhìn nhau như người chết đứng. Thế này là thế nào nhỉ?

Một năm sau, hai ông Nguyễn Khang và Phạm Tư nhận được tin chính thức: Tòa án tối cao đã kết án ba mươi năm tù giam đối với Trần Khuê về tội tham ô tài sản của nhà nước và thiếu tinh thần trách nhiệm để thất thoát tài sản xã hội chủ nghĩa. Tài sản do lãng phí và tham nhũng lên tới vài nghìn tỷ. Một tờ báo lớn của nhà nước đã đăng cái tin rất dài ấy. Vậy là mọi chuyện đã chính xác mười mười, không còn nghi ngờ gì nữa. Nguyễn Khang và Phạm Tư đưa mắt nhìn nhau, miệng lại lẩm nhẩm cái câu hỏi đã quá quen: thế này là thế nào nhỉ?


 Thái Nguyên, tháng 9 năm 2017

Trần Đình Vinh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: