Thẳm sâu hồn chè

Cập nhật: Thứ bẩy 15/10/2022 - 11:47
 (Tranh minh họa: Thanh Hạnh)
(Tranh minh họa: Thanh Hạnh)

Ở Tam Xuân ai cũng khen chị Xoan làm chè giỏi. Trà nhà chị có vị đậm đà khó quên, đặc biệt hương trà bao giờ cũng thơm nhất vùng. Trà Tam Xuân vốn đã nổi tiếng, nhưng uống trà nhà chị không ai có thể quên hương vị riêng biệt không nơi nào có được. Bởi vậy nhà chị thường đông khách nhất. Ở vùng trà này, các cửa hàng, cửa hiệu đều treo biển to đùng, nhà chị ở cuối dãy đồi nhưng khách hàng luôn vượt qua tất cả để đi tới đúng nhà chị mua trà.

Nhiều người bàn tán, không hiểu sao trà nhà chị Xoan lại có hương vị quyến rũ đến vậy. ​Khách hàng nghe phong thanh đấy là do tài lấy hương trà của con trai chị. Nhưng họ chỉ biết thế thôi chứ không hiểu cặn kẽ. Nhưng đúng như vậy. Tạo hóa đã cho cu Tý con trai chị Xoan cái mũi rất thính và đặc biệt là cái lưỡi nhạy cảm với vị trà.

Chị Xoan cũng không hiểu vì sao con trai mình lại có năng khiếu khác lạ ấy. Chỉ biết rằng khi thai nghén thằng Tý, chị rất thèm ngửi hương trà và thích uống trà. Những ngày tháng đó chị ngồi sao chè suốt ngày mà không thấy mệt, uống trà cứ thấy ngọt thơm một cách kỳ lạ. Người ta khi nghén thì thèm của chua, nhiều người ăn dở chanh, khế, còn chị thì nghén trà. Âu cũng là cái duyên gắn với cái nghiệp.​ Ngày cu Tý ra đời, bà hộ lý ở bệnh viện nói:

​- Thằng bé lạ lắm, nước da trắng, có mùi thơm chè non.

​Chị Xoan nhớ lại những ngày ốm nghén, lẩn mẩn nghĩ có lẽ nào hương vị trà đã ngấm vào bào thai chăng? Thằng bé có cái năng lực đặc biệt ấy, có lẽ chẳng khoa học nào giải thích nổi. Nhưng người mẹ như chị thì có thể hiểu được ít nhiều. Cu Tý đã được ngửi trà từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Đến khi lẫm chẫm biết đi lại cả ngày bên mẹ xem sao chè, hương trà lúc nào cũng quấn quýt quanh người cậu bé. Rồi sáu, bảy tuổi đã biết xuýt xoa bên ấm trà nóng, biết phân biệt trà nào là trung du, trà nào là Bát Tiên, Đinh Ngọc, Bạch Hạc… Bao năm tháng, hương vị trà đã ngấm vào da thịt, ngấm vào tâm hồn để bây giờ cu Tý có được cái năng lực đặc biệt kia, thực cũng không có gì quá khó hiểu.

​Thấm thoắt cu Tý đã mười tám tuổi. Đã bớt đi cái trắng ngần như con gái, trông rắn rỏi, khỏe mạnh hơn. Tý xin tiền mẹ mua rất nhiều sách về kỹ thuật trồng, chăm sóc chè sạch. Tý đọc cho mẹ nghe, thuyết phục mẹ làm chè sạch, không bón phân đạm, không phun thuốc trừ sâu… Tý bàn với mẹ chỉ giữ lại 50% diện tích chè truyền thống, đất canh tác còn lại làm theo hướng mới. Rồi Tý cho khoan giếng lấy nước sạch, lắp vòi phun quay tròn tưới chè. Mỗi lần tiếp khách mua trà, Tý nói rành mạch như ông cụ non về hương trà, vị trà, về cách pha trà như thế nào cho thơm ngon, đậm đà hơn. Khách cứ trố mắt nhìn thằng bé từ đầu đến chân, ngạc nhiên vì sự am hiểu trước tuổi của nó.

* * *

​Nghe tin đồn về cơ sở chế biến trà của chị Xoan, tôi đã đến thăm. Biết tôi là nhà báo, cu Tý rất vui. Nó mời tôi tới bàn thử trà, tự tay pha trà mời khách, vừa làm vừa nói:

- Các cụ xưa dạy “Nhất nước nhị pha, tam trà tứ ấm” chú ạ. Trong bốn thứ ấy, thứ nào cũng quan trọng, không được bỏ qua thứ nào hết. Chỉ tiếc ngày nay ít người lưu ý đến việc này.

Nhìn bàn tay thoăn thoát, điệu nghệ của Tý, tôi chợt nhớ đến những tác phẩm viết về cách pha trà của cố nhà văn Nguyễn Tuân. Nhà văn hóa trà Nguyễn Tuân sống lại chắc cũng hài lòng về hậu duệ này của ông. Tý nói một cách đầy tự hào:

​- Chú thử trà nhà cháu đi, nhất vùng đấy ạ. Chú cứ đi khắp làng xem hương trà có đâu giống nhà cháu không nhé. Uống xong, cháu mời chú tham quan đổi chè sạch của nhà cháu để chú góp ý thêm.

Rồi Tý sôi nổi trao đổi với tôi về dự định sẽ mở công ty như thế nào. Đặc biệt là bàn về hướng xuất khẩu lớn của vùng chè Tam Xuân trong tương lai ra sao. Tý nói bằng giọng tự tin:

- Cháu thấy trà Tam Xuân quê cháu chẳng thua kém gì trà Long Tỉnh của Trung Quốc, nhưng sao giá lại chưa bằng một phần mười của họ. Đấy là điều mà những người làm chè như chúng cháu và nhà báo các chú cần nghiền ngẫm để tìm ra câu giải đáp đấy ạ.

- Chú nghe nói cháu là người lấy hương trà rất giỏi phải không? Có phải vì hương vị trà đã ngấm vào cháu từ khi…

Tý cười vui vẻ:

- Đúng vậy chú ạ. Rất may mắn là trời đã phú cho mẹ con cháu cái khả năng ấy.

- Không hẳn là trời phú đâu. Đó là từ tình yêu trà sâu thẳm trong con người của mẹ con cháu mới tạo ra điều ấy. Cháu có nghe nói ở Cao Mật bên Trung Quốc có những nghệ nhân chỉ cần ngửi cũng phân biệt được rượu ủ hai mươi hay ba mươi năm không? Những khả năng đặc biệt ấy đều hình thành từ tình yêu và sự tự hào về rượu của họ từ trong huyết mạch.

Nghe tôi nói, Tý có vẻ rất vui. Cậu cao hứng khoe:

- Cháu dự định sang năm, sau khi tốt nghiệp đại học cháu sẽ bàn với mẹ cho xây một cái nhà lầu theo kiểu cổ, gọi là lầu thưởng trà để đón khách thập phương. Cháu tin rằng đấy sẽ là nơi để trà Tam Xuân “cất cánh”. Chú cũng biết, cụ Đội Năm quê cháu ngày xưa đã từng được giải thưởng trà quốc tế. Thương hiệu trà Cánh Hạc của cụ đã “cất cánh” vượt đại dương.

Tôi thốt lên:

- Một ý tưởng tuyệt vời! Lầu thưởng trà của cháu sẽ đồng thời là một trung tâm về văn hóa trà ở Tam Xuân. Trà không chỉ là vật chất, một thứ đồ uống đơn thuần mà còn là văn hóa, thậm chí văn hóa của một đất nước, cháu hiểu không?

Tý cười rạng rỡ:

- Nhất định cháu sẽ làm được chú ạ!

Tý tiễn tôi tới tận cuối khu đồi chè hữu cơ rộng mênh mông của gia đình.

Cũng như Tý, tôi ra về trong một niềm vui lớn. Tất cả dù vẫn đang ở thì tương lai nhưng tôi tin rằng vùng đất Tam Xuân này có những người như Tý thì cái tương lai ấy chẳng còn bao xa nữa sẽ trở thành hiện thực.

Truyện ngắn của Cồ Thị Thơm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: