Tí tách chồi xuân

Cập nhật: Chủ nhật 23/01/2022 - 16:28
 Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Xóm Núi Nản là một xóm núi mà phần lớn dân cư là dân tộc ít người. Người dân tộc miền núi hiền lành, chất phác, chịu khó làm ăn, đặc biệt là rất tốt bụng, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, nhưng vì nghèo nên cũng không giúp được nhau nhiều. Ngày xưa nghèo kiểu ngày xưa đói xơ đói xác, ngày nay nghèo kiểu ngày nay, không ai đói nhưng không có tiền cho con ăn học, không mua được đồ dùng sinh hoạt.

Ông bà Sửu khá giả, chục năm trước đây đã có đàn trâu mười mấy con, có ruộng cấy lúa, có đồi trồng chè. Nhưng ông bà lại hiếm con, có mỗi mụn con trai là Hoàng. Đã hiếm muộn, cậu con trai lại khó nuôi, thủa nhỏ động tí là ốm, con nhà nông dân mà gầy như cái dải khoai.

Hoàng học hết phổ thông vào khoảng mười năm về trước. Bố mẹ anh bàn:

- Nhà mình có mỗi mình con, thể chất lại yếu ớt mảnh mai khó mà xốc vác được các công việc nhà nông nặng nhọc, cố mà thi đại học kiếm cái nghề đỡ vất vả con ạ.

Vì yêu cây cối, Hoàng đã chọn thi đỗ vào trường đại học nông nghiệp. Tiền ăn học dưới thành phố là cả một vấn đề, năm đầu bố mẹ Hoàng bán đi hai con trâu mộng, năm sau lại bán hai con trâu mộng. Đến khi anh ra trường, đàn trâu to béo nhất xóm chỉ còn lại con trâu mẹ và mấy con nghé. Hoàng thầm hứa nhất định sẽ đền bố mẹ đàn trâu nhiều gấp đôi trước đây.

Chăm học cùng với tư chất tốt, thành tích học tập của Hoàng luôn đứng đầu lớp. Ngay từ lúc còn là sinh viên, anh đã được chọn đi thực tập ở nước ngoài. Tốt nghiệp ra trường, anh tiếp tục được đi nước ngoài làm việc, về nước một cái là được ngay mấy công ty nước ngoài mời vào làm, lương nghe đâu mỗi tháng mười mấy triệu đồng, lại có đến gần ba chục nhân viên giúp việc.

Nhiều năm qua, cứ nói đến sự học là cả phố huyện đều nhắc đến Hoàng con nhà ông Sửu bên xóm Núi Nản, như một tấm gương về học hành thành đạt. Thế mà đùng một cái, tin anh Hoàng về nhà trồng rau lan ra khắp xã, khắp huyện khiến mọi người xôn xao.

Vài hôm sau, vườn rau kì quái của Hoàng mọc lên tại cánh đồng dưới chân núi Nản. Đó là một cái nhà kiểu lều trại khổng lồ trắng toát. Đời thủa nhà ai trồng rau lại phải làm nhà để trồng trong nhà. Cây cối lớn lên cần nắng cần mưa cần khí trời, thằng Hoàng này chắc thần kinh có vấn đề rồi.

Dân xóm Núi Nản đến xem “nhà rau” của Hoàng, người thì cười, người thì bĩu môi, bảo trần đời chưa thấy ai làm ruộng làm vườn như này. Lại nữa, cái mùa này xưa nay toàn bỏ không đất, trời thì lạnh, nước thì hiếm, cây cối có mọc được đâu mà trồng với trọt. Chẳng biết cái thằng Hoàng này ăn học kiểu gì mà toàn làm những điều dị. Mà cũng không hiểu sao các cấp chính quyền lại ủng hộ nó.

Bá Thanh tức điên ruột vì thằng Sơn bỏ ngoài tai mọi lời bảo ban của bá, suốt ngày chui vào cái “nhà rau” cùng làm với thằng Hoàng. Nó còn nói chắc như đinh đóng cột rằng sẽ rất thành công, rồi là chúng nó sẽ trồng rau trồng dưa không cần đất, không cần nước tưới. Trên thế giới họ làm lâu rồi.

Bá Thanh đi kể lại với hàng xóm, vẫn không nguôi nỗi ấm ức:

- Nhà tôi mười đời làm nông dân mà nó còn dám lừa. Cách làm của chúng nó mà thành công á, có mà cá lên sống trên ngọn cây đa, chim sáo làm tổ dưới đáy ao.

Chưa hả, bá lại da lô cho bà thông gia để kể tội:

- A lô bà vãi à, bà ơi cái thằng Sơn con rể bà hỏng rồi bà ạ. Nó không chịu đi phụ xây kiếm đồng ra đồng vào, lại cứ theo cái thằng Hoàng trồng rau trồng dưa theo cái công nghệ i den sa đen gì gì ấy tôi nói không được bà ạ. Hôm nào bà bớt thời gian dạy bảo nó giúp tôi với nhá.

Bà vãi chỉ biết an ủi thôi kệ nó bà ạ, thanh niên bây giờ tiếp thu cái mới mẻ nhanh lắm, việc làm của nó được nhà nước ủng hộ, có xấu xa vi phạm pháp luật gì đâu nên đừng có cản nó bà ạ, bà giữ gìn sức khoẻ trông nom nhà cửa, chăm cháu cho vợ chồng nó yên tâm làm ăn bà ạ.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cái vật thể lạ “nhà rau” của Hoàng trên cánh đồng đã dần quen mắt người trong xóm. Hàng ngày Hoàng và Sơn vẫn thấp thoáng phía sau những tấm lưới trắng. Những mảnh ruộng xung quanh đang bị bỏ hoang trong mùa Đông, mọc toàn cây cỏ dại và để người dân chăn thả trâu bò.

Đến một ngày giáp Tết nguyên đán, bá Thanh đi ra huyện về khoe khắp xóm ngày mai hội chợ hàng Tết sẽ khai mạc ngoài sân vận động huyện, toàn hàng đẹp hàng tốt thôi bà con ạ. Có cả rau hoa quả an toàn chất lượng cao của các vùng miền được triển lãm và phục vụ bà con vui Tết đón Xuân.

Về đến nhà, bá Thanh hoa mắt khi nhìn thấy từng sọt từng sọt dưa lê, quả nào quả nấy đẫy đà tròn căng, thơm phưng phức xếp chật cả cái hiên rộng nhà bá. Bá cầm thử một quả, thấy nặng trĩu trên tay, đời bá chưa bao giờ thấy quả dưa nào đẹp và ngon như vậy. Lạ nhất là trên mỗi quả dưa lại có dán một cái nhãn giấy xinh xinh in dòng chữ “Dưa lê an toàn sản xuất tại xóm Núi Nản”. Bá xúc động nghẹn ngào, thấy tự hào như chính tay bá trồng được quả dưa.

Sáng nay ở ngoài huyện, bá nghe mấy ông bà xã bên hỏi xem có phải sang năm xóm Núi Nản sẽ thành lập tổ hợp tác sản xuất rau quả an toàn công nghệ cao, họ sẽ cử người sang học tập mà bá không tin lắm. Giờ thì đúng là thật rồi. Tuần trước, bá cũng thấy mấy đồng chí lãnh đạo huyện đưa mấy ông đi ô tô đến tham quan nhà rau, họ còn nói dân làm ra bao nhiêu sẽ mua hết để đưa vào bán trong xeo thị hay xêu thị gì gì đấy.

Sực nhớ ra điều gì, bá Thanh rút điện thoại, da lô cho con trai, giọng đầy bực tức:

- Thằng Sơn này, trưa bảo cả thằng Hoàng hai thằng vác xác về đây, mẹ nấu cơm cho ăn nhé.

Nghe con trai vui vẻ “vâng”, bá như trút được gánh nặng trong lòng. Nhìn ra ngoài cổng, ánh mắt bá bắt gặp những cành đào đang bắt đầu nhú lộc non. Có mấy nụ đào đã đỏ thắm như đang nháy mắt trêu bá. Bá bật cười thành tiếng, trần đời chưa bao giờ bá cười vui đến thế.

Truyện ngắn của Ngọc Khuê
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: