Tiếng sáo ở thành Đông Quan
Minh hoaj: Thanh Hanhj |
Mặt Vương Thông biến sắc, chén rượu rơi xuống sàn nhà vỡ tan. Sơn Thọ, Mã Kì đang ngồi bên chiếc bàn lớn sợ hãi nhìn Vương Thông.
- Vương Tổng binh, ông có sao không? - Giọng Sơn Thọ hoảng hốt.
Vương Thông lắp bắp: - Ta được mật báo, Xương Giang thất thủ rồi. Quân sĩ bị giết, bị bắt năm vạn!
Vương Thông ngồi lặng. Một lúc rất lâu sau, Vương Thông mới khẽ mấp máy môi: - Ta đã chấp thuận lời đề nghị hòa hiếu của Lê Lợi. Hôm nay cho mời hai ông đến để bàn việc đón tiếp sứ giả của chúa Lam Sơn.
Mặt Mã Kì ỉu xìu: - Ý Tổng binh thật thế sao?
Vương Thông mở choàng mắt, gườm gườm nhìn Sơn Thọ, Mã Kì: - Ý các ông thế nào?
Sơn Thọ nhăn mặt: - Vậy là chủ soái quyết giảng hòa với Lam Sơn?
Vương Thông cười khẩy: - Các ông định đánh sao? Các ông có hiểu, Lê Lợi nói cầu hòa là để giữ thể diện cho Thiên triều thôi. Chứ thực thì chúng ta đại bại rồi.
Sơn Thọ khẽ đập tay xuống bàn: - Uất thật! Chẳng lẽ ta lại chịu lép vế trước một nước chư hầu?
Vương Thông ngửa mặt cười cay đắng: - Chư hầu ư? Vậy khi nào Nguyễn Trãi và Lưu Nhân Chú đến đây ông hãy đấu lý với họ.
Sơn Thọ lúng túng:- Bẩm, Vương tổng binh văn võ song toàn chứ chúng tôi là hạng vũ dũng vô mưu làm sau đấu được với Nguyễn Trãi.
Vương Thông cầm chén rượu tu ừng ực, ngửa cổ cười, mắt ậc nước: - Thì ta vừa thấy ông gọi họ là chư hầu mà.
Cả bọn không dám nói năng, ngồi rũ bên chiếc bàn sơn son thiếp vàng.
Hai ngày sau, Nguyễn Trãi và Lưu Nhân Chú cưỡi ngựa đến trước cổng thành Đông Quan. Nguyễn Trãi và Lưu Nhân Chú cho ngựa thong dong bước giữa hai hàng thị vệ.
Vương Thông, Sơn Thọ, Mã Kì đón Nguyễn Trãi và Lưu Nhân Chú tận tiền sảnh. Thoáng thấy Vương Thông, Nguyễn Trãi chấp tay: - Trãi tôi và Lưu tướng quân xin diện kiến Vương Tổng binh và các tướng quân.
Mọi người cùng đáp lễ. Vương Thông kính cẩn đưa hai sứ giả Đại Việt vào trong nhà.
- Mời quân sư và Lưu tướng quân an tọa.
Một tỳ nữ cầm be rượu kính cẩn rót ra từng cái chén ngọc mầu xanh nhạt. Vương Thông nâng chén: - Xin kính mời đại quân sư và Lưu tướng quân.
Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú nâng chén. Nguyễn Trãi ngắm nghía cái chén uống rượu rồi nói với Vương Thông: - Đa tạ Vương Tổng binh. Tôi rất vui vì nhận ra cái chén ngọc đựng rượu này là Dạ quang bôi, một vật dụng uống rượu của người Hồ đã được bàn tay của các nghệ nhân Trung Hoa cách điệu. Nhưng điều làm chúng tôi mừng hơn là trong cái chén được làm ra từ đất nước Trung Hoa lại đựng thứ rượu làng Vân nổi tiếng của đất nước chúng tôi.
Vương Thông quay về phía Nguyễn Trãi: - Đại quân sư là người đi nhiều, lại thông tỏ sử sách, không hiểu đã từng thấy ở đâu có cảnh kẻ thù mời rượu nhau như thế này không?
Nguyễn Trãi cười lớn: - Xin đại nhân chớ quá lời. Trước trận tiền chúng ta là kẻ thù, chứ trong buổi diện kiến để bàn về hòa hiếu hôm nay, chúng ta không còn là kẻ thù nữa. Cầm chén rượu này trên tay, tôi đã coi đại nhân là bạn hữu.
Vương Thông hơi sửng sốt: - Bạn hữu?
Ánh mắt Nguyễn Trãi lấp lánh: - Đúng vậy! Chúng ta là hai nước láng giềng. Láng giềng thì phải là bạn tốt, không nên có ý định thôn tính lẫn nhau. Trước lúc gặp Nguyễn Trãi và Lưu Nhân Chú, Tổng binh Vương Thông và Sơn Thọ, Mã Kì đều không nghĩ được rằng cuộc gặp gỡ với sứ giả của cái đất nước nhan nhản những chiến binh dũng mãnh mà lại có thể... nhẹ đến thế.
* * *
Cuộc hội ngộ kết thúc thì trời đã chạng vạng. Vương Thông có nhã ý mời sứ giả nghỉ lại trong thành. Nguyễn Trãi và Lưu Nhân Chú đã vui vẻ nhận lời. Đêm đã khuya.Vương Thông cùng Nguyễn Trãi ngồi uống rượu trên lầu. Chợt Vương Thông dỏng tai lắng nghe rồi quay sang Nguyễn Trãi: - Hình như có tiếng sáo đâu đây?
Nguyễn Trãi cười: - Thưa Vương Tổng binh, đó là tiếng sáo của Tướng quân Lưu Nhân Chú.
Vương Thông ngạc nhiên: - Thật sao?... Nhưng... tiếng sáo có vẻ buồn ai oán.
Nguyễn Trãi gật gù: - Đúng thế, thưa đại nhân. Lưu tướng quân có thói quen chỉ thổi sáo trong những lúc buồn hoặc nhớ quê hương và người thân.
Nguyễn Trãi lặng lẽ nhấp một ngụm rượu: - Lưu tướng quân có một người bạn gái yêu, một cô gái người Thổ cùng quê rất xinh đẹp và giỏi võ công, đã tử trận tại ải Chi Lăng. Từ đấy tiếng sáo của Lưu tướng quân càng thêm buồn.
Giọng Vương Thông trầm hẳn: - Ra vậy.
Vương Thông gõ gõ mấy ngón tay xuống mặt bàn, như nói với chính mình: - Đã bao năm chinh chiến, tưởng con tim đã cằn cỗi, vậy mà hôm nay nghe tiếng sáo của Lưu tướng quân, tôi bỗng thấy lòng khắc khoải nhớ cố Quốc.
Nguyễn Trãi trở nên u uẩn: - Tôi đã có dịp mục sở thị những người dân bản quốc của đại nhân sinh sống hiền hòa dưới những mái gianh thấp thoáng bên bờ liễu rủ, cũng giống y như người dân Đại Việt chúng tôi yêu cuộc sống yên lành dưới lũy tre xanh. Tiếng sáo của Lưu tướng quân đêm nay đã nói hộ nỗi ai oán của vạn linh hồn trong chiến tranh của cả hai đất nước. Tiếng sáo có thể làm bớt đi bao nước mắt bi ai và máu nóng hận thù.
Vương Thông đặt chiếc chén xuống bàn: - Chinh chiến ở Đại Việt bao năm, tôi những tưởng chiến tranh toàn là chém giết. Từ đêm nay, có lẽ trong con tim sắt đá của tôi sẽ có thêm tiếng sáo của Lưu tướng quân.
Nguyễn Trãi bình thản: - Chắc đại nhân sẽ lạ hơn khi biết chuyện Bình Định Vương của chúng tôi quyết định hòa chứ không đánh Đông Quan là bởi sau cái đêm nghe thấy tiếng sáo của Lưu tướng quân từ bờ sông Nhị Hà vẳng về.
Vương Thông gật gù: - Sự tương giao giữa âm nhạc với chiến trận như vậy, đúng là chỉ ở Đại việt mới có.
Nguyễn Trãi lắc đầu: - Đại nhân quên rồi, chính đất nước Trung Hoa của đại nhân ngay từ thời xa xưa đã dùng tiếng đàn tỳ bà để đưa tiễn, thúc giục người ra chiến trận, một sự đối nghịch mà tương giao như nước và lửa, như âm và dương, như tàn khốc và thanh bình.
Gương mặt Vương Thông đờ ra. Lão ngẫm nghĩ mình đã làm đến chức tổng binh mà trò chuyện với vị sứ giả nước Nam mảnh dẻ này sao cứ như chim chích lạc rừng, mà lại lạc ngay trong khu rừng của chính đất nước mình.
Trong lúc ấy, tiếng sáo của Lưu Nhân Chú vẫn đang da diết lan tỏa khắp thành Đông Quan./.
*Thành Đông Quan: Vốn là Kinh đô Thăng Long thời Lý - Trần. Cuối năm 1427, quân Lê Lợi xiết chặt vòng vây thành Đông Quan, buộc Tổng binh Vương Thông phải hòa đàm.