Từng dòng chữ suốt một đời lặng lẽ

Cập nhật: Chủ nhật 14/11/2021 - 12:50
 Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Sáng nay, bóc tờ lịch trên tường chợt thấy thời gian trôi nhanh quá. Đã nghe bước chân những ngày tháng cuối năm đang tới gần. Giờ đang giữa tháng Mười một, sắp đến một ngày đặc biệt để tri ân - Ngày Nhà giáo Việt Nam. Tôi đã đi qua những tháng năm học trò lâu lắm rồi, nhưng cứ đến dịp này lại bâng khuâng nhớ những kỷ niệm với bụi phấn, sân trường… lại vọng về câu hát của một thời hoa nắng: Khi Thầy viết bảng/Bụi phấn rơi rơi/Có hạt bụi nào/Rơi trên bục giảng/Có hạt bụi nào/Vương trên tóc thầy?...

Trong đời mỗi người chắc khó có thể đếm hết những thầy, cô đã từng “nâng cánh ước mơ” cho mình. Tôi cũng thế, nhưng trong đời học trò của mình có một thầy giáo tôi ấn tượng và khó quên nhất là thầy giáo Hiệu trưởng Trường THCS Vạn Phái (T.X Phổ Yên). Người thầy giáo đã từng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc, thầy giáo - người lính Đinh Thanh Bình.      

Thầy tôi sinh ra ở Sóc Sơn (T.P Hà Nội), là con trai duy nhất trong gia đình có bốn người con, bố mất sớm nên thầy đã theo mẹ về quê ngoại là xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên) sinh sống. Nuôi ước mơ dạy chữ trồng người, thầy bước chân vào Trường Sư phạm với chuyên ngành Toán học. Thế nhưng khi thầy vừa học xong  cũng là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn mới, thầy đã rời xa gia đình, xa người mẹ và làng quê yêu dấu để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Cùng với hàng ngàn sinh viên các trường đại học, tháng 5 năm 1972, thầy lên đường nhập ngũ. Sau này khi đứng lớp thầy kể rằng, khó có thể diễn tả bằng lời cảm giác vừa vui mừng vừa lo lắng, vừa sung sướng vừa tự hào của thầy và các bạn mình khi đó, bởi thầy được khoác lên mình màu áo xanh người lính, trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ đi giải phóng miền Nam ruột thịt và chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Cũng trong những ngày gian khó của cuộc chiến ấy, thầy đã bị nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin, để mỗi khi thời tiết thay đổi, từng cơn đau lại hành hạ thầy đến tận bây giờ. Sau khi miền Nam được giải phóng, thầy phục vụ trong Quân đội đến năm 1977 thì chuyển về Thái Nguyên thực hiện tiếp ước mơ của mình là dạy học.

Ngôi trường đầu tiên sau khi xuất ngũ thầy dạy là Trường PTCS Úc Kỳ (Phú Bình), đến năm 1983, thầy được trở về quê hương Vạn Phái giảng dạy. Hành trang khi ấy của thầy là kiến thức được trang bị trong những năm tháng học tập tại Trường Sư phạm và những gian khổ tích lũy từ cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc.

Thầy vẫn nói với chúng tôi rằng, trong số những sinh viên sư phạm ra trường, lên đường nhập ngũ ngày ấy có người đã mãi mãi không về, và thầy sẽ thực hiện ước mơ làm thầy giáo cho cả đồng đội mình ngã xuống. Có lẽ vì thế thầy đã tham gia một cách tích cực và gắn bó ngay từ những ngày đầu trong công tác chuyên môn và các hoạt động của Trường THCS Vạn Phái với nhiều cương vị khác nhau như: Giáo viên đứng lớp, Hiệu phó phụ trách chuyên môn, Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng Nhà trường. Trong mỗi việc làm, thầy đều quyết tâm hoàn thành một cách tốt nhất theo đúng phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ đã từng được tôi luyện.

Đối với các thế hệ học trò của Trường THCS Vạn Phái, những hình ảnh khó quên nhất của thầy là lúc cùng tập luyện, động viên các đội tuyển thể dục thể thao của Nhà trường; là lúc thầy lặng lẽ đứng ở một góc sân nhìn các trò của mình tập văn nghệ; là khi lo từng bữa ăn, từng bộ trang phục cho các em trước giờ thi đấu, biểu diễn... hoặc cùng học trò say sưa bên những bài toán khó. Với lũ “đứng sau quỷ và ma” cùng vô vàn trò nghịch dại, thầy có sự nghiêm khắc của người cha, sự dịu dàng của người mẹ và cởi mở của người bạn. Bởi thế chẳng riêng bản thân tôi, bất cứ ai đã từng được thầy dạy học đều nhắc về thầy với sự yêu thương và kính trọng vô bờ.

Năm 2010, Trường THCS Vạn Phái được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Cả thầy và trò chúng tôi vui trào nước mắt. Đó là quá trình phấn đấu của tất cả tập thể giáo viên, học sinh Nhà trường, sự quan tâm của ngành Giáo dục và chính quyền địa phương, nhưng không thể không nhắc tới những vất vả của riêng thầy Bình. Đó là những hôm một mình thầy bên ngọn đèn qua đêm tới sáng, là những ngày mưa nắng trăn trở suy tư đi học tập kinh nghiệm xây dựng trường chuẩn của đơn vị bạn.

Tất cả đã thành kỷ niệm, những kỷ niệm không thể phai mờ trong ký ức của chúng tôi. Tôi còn nhớ như in ngày Nhà trường chia tay thầy về nghỉ chế độ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ “trồng người”. Trong buổi ấy, nhiều giọt nước mắt của giáo viên, học trò đã rơi khi phải chia tay thầy Hiệu trưởng mẫu mực, tận tuỵ với đàn em thơ ngây, một người lính luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mọi mặt trận.

Tôi đã rời xa tuổi học trò lâu lắm rồi, nhưng mỗi khi nhớ về những hy sinh thầm lặng, nỗi vất vả, nhọc nhằn của người thầy- người lính trong sự nghiệp “trồng người” của quê hương, tôi lại nhớ đến những vẫn thơ của nhà thơ Xuân Định: “Bao lữ khách đi về trên bến vắng/Người sang sông ai nhớ bến sông đời/Từng dòng chữ suốt một đời lặng lẽ/Vẫn âm thầm như bụi phấn rơi rơi...”

Vâng, từng dòng chữ suốt một đời lặng lẽ, xin cảm ơn những người thầy, người cô đã và đang ngày đêm đóng góp công sức, trí tuệ và con tim để rèn luyện, dạy dỗ bao thế hệ học trò trở thành những công dân đủ đức, đủ tài dựng xây đất nước.

Thái Anh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: