19 năm "làm ong tìm mật"

Cập nhật: Thứ năm 07/07/2016 - 14:53
 Chị Ma Thị Kim Dung (ngồi giữa) tuyên truyền cho một cặp vợ chồng về các biện pháp phòng tránh thai hiện đại.
Chị Ma Thị Kim Dung (ngồi giữa) tuyên truyền cho một cặp vợ chồng về các biện pháp phòng tránh thai hiện đại.

Bằng sự năng nổ, nhiệt tình của mình, suốt 19 năm qua, chị Ma Thị Kim Dung, cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở xóm Bo Chè, xã Hợp Thành (Phú Lương) luôn bám sát địa bàn để đưa những thông tin, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số đến với bà con nơi đây. Với chị, công việc của người cộng tác viên DS-KHHGĐ như “con ong chăm chỉ tìm mật cho đời”.

Đảm nhiệm vai trò là Cộng tác viên DS - KHHGĐ từ năm 1997, nhưng năm đầu, chị Dung đã rất khó khăn khi tiếp cận với các hộ gia đình trong xóm để tuyên truyền. Do địa bàn dân cư rộng, các hộ dân sống rải rác ở những khu đồi lại thêm giao thông đi lại khó khăn nên có khi mỗi ngày chị chỉ đi được tới một vài hộ. Đặc biệt, xóm Bo Chè có đến 95% hộ là bà con đồng bào dân tộc Tày nên nhận thức của bà con về công tác dân số vẫn còn hạn chế, không hợp tác với cán bộ Dân số. Ngay cả khi Pháp lệnh Dân số năm 2003 ra đời, một bộ phận dân cư vẫn chưa hiểu chưa đầy đủ về quyền và nghĩa vụ sinh con, chăm sóc con. Chị Dung kể: Trong quan niệm của nhiều người, gia đình nhất định phải có con trai nối dõi thì mới có thể “ngẩng mặt” với hàng xóm láng giềng. Nhiều người con mang nặng quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ” nên dù đông con, gia đình lâm vào cảnh nghèo đói họ vẫn cố sinh thêm. Thời điểm đó, xóm Bo Chè là một trong những “điểm nóng” về tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở Hợp Thành.

 

Trước những vấn đề như vậy chị Dung đã chủ động phối hợp với các đoàn thể trong xóm, đặc biệt là vận động sự tham gia và tiếng nói của các cụ cao tuổi để tuyên truyền Pháp lệnh Dân số sửa đổi và các chính sách về Dân số-KHHGĐ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mọi lứa tuổi, phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục, cách chăm sóc phụ nữ mang thai, chế độ dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi...

 

Không chỉ năng nổ trong công việc, chị Dung còn tích cực học hỏi, tìm hiểu nâng cao kiến thức về DS-KHHGĐ để tuyên truyền cho bà con. Chị chia sẻ: Sau khi sinh cháu bé thứ 2 được 1 tháng, tỉnh tổ chức tập huấn chuyên môn cho cộng tác viên dân số. Dù rất muốn tham gia nhưng do con còn quá nhỏ nên tôi vẫn phân vân. Sau đó, tôi đã tâm sự nguyện vọng của mình với chồng và may mắn nhận được sự động viên khích lệ của anh.  Có chồng giúp đỡ trông con nên tôi đã yên tâm tham dự lớp tập huấn.

 

Không chỉ đảm nhiệm là cộng tác viên dân số, chị Ma Thị Kim Dung còn kiêm nhiệm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm, Tổ trưởng Tổ vay vốn và y tế thôn bản nên chị có điều kiện thuận lợi là thường xuyên được tiếp xúc với chị em, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của chị em, kịp thời tham mưu với Hội Phụ nữ xã quan tâm tạo điều kiện cho hội viên nghèo được vay vốn, phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, chị tổ chức nhiều chương tình giao lưu văn nghệ với các tác phẩm có tiết mục hát, múa, tiểu phầm tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ. Qua đó, giúp chị em trong xóm cập nhật thêm thông tin, kiến thức bổ ích về sinh đẻ có kế hoạch và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sả và KHHGĐ. Chị Dung chia sẻ: Làm công tác dân số mình giống như “con ong tìm mật” vậy. “Mật” ở đây chính là thông tin, tâm tư của các gia đình, các cặp vợ chồng trong xóm. Mà muốn biết được thông tin, thì chỉ còn cách tích cực tiếp cận, trò chuyện, gần gũi với họ để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của gia đình từ đó đưa ra phương án tuyên truyền, vận động phù hợp.

 

Với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, hàng ngày, sau khi thu xếp chu đáo công việc nhà, chị Dung tranh thủ các  buổi trưa, buổi tối đến từng hộ gia đình để tuyên truyền. Chị đặc biệt quan tâm đến các hộ sinh con một bề là gái, vừa trò chuyện vừa tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kết hợp tư vấn, vận động họ thực hiện KHHGĐ. Trong quá trình vận động, chị đều khéo léo nêu gương những cặp vợ chồng sinh 2 con, gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả… để mọi người học hỏi và làm theo. Ngoài ra, tranh thủ những lúc đi làm đồng, hay đi hái chè cùng chị em, chị Dung đã tuyên truyền, vận động để chị em thấy thoải mái, bộc bạch những điều thầm kín. Đồng thời, chị cũng trực tiếp tư vấn các biện pháp tránh thai hiện đại và cung cấp các phương tiện tránh thai cho đối tượng có nhu cầu.

 

Hàng năm, hưởng ứng 2 đợt Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ, chị đã tích cực vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chú trọng các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái đăng ký tham gia hưởng lợi từ chiến dịch, lập danh sách và đưa đối tượng lên trạm y tế xã để đăng ký thực hiện các gói dịch. Nhờ những cố gắng của chị Dung, 14 năm qua, xóm Bo Chè không có trường hợp nào sinh con thứ 3, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 80%. Bo Chè từ một “điểm nóng” trong công tác dân số đã trở thành xóm tiêu biểu của xã Hợp Thành về việc thực hiện tốt công tác này.

Vân Khánh
(Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: