Báo động về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm

Cập nhật: Thứ ba 26/04/2016 - 08:03
 Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Nguyễn Huyền
Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Nguyễn Huyền

Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lại trở nên đáng báo động và được dư luận đặc biệt quan tâm như thời điểm hiện nay. Thực phẩm bẩn đang là một vấn nạn bị xã hội lên án, tẩy chay và tuyên chiến ngày càng quyết liệt.

Theo nhận định thực tế, vấn đề ATVSTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bức xúc và lo lắng cho người dân. Trong những năm qua, đã có không ít vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra ở các bếp ăn tập thể, các đám cỗ, đám cưới khiến hàng trăm người phải nhập viện điều trị. Thống kê của ngành Y tế cho thấy, trong năm 2012, toàn tỉnh có 7 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 600 người bị ảnh hưởng. Năm 2014 có 2 vụ ngộ độc nghiêm trọng làm 7 người tử vong. Năm 2015 có 3 vụ ngộ độc làm ảnh hưởng tới sức khỏe của 53 người... Đây là những trường hợp ngộ độc, có phản ứng tức thì, còn rất nhiều trường hợp khác do ăn thực phẩm không đảm bảo, tích tụ trong cơ thể lâu ngày, gây bệnh dẫn đến tử vong.

 

Thực phẩm không đảm bảo chất lượng hay còn gọi là thực phẩm bẩn được xem là những thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có dư lượng hóa chất độc hại cao, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, quá hạn sử dụng... Thực phẩm bẩn hiện đang len lỏi vào bữa ăn của từng gia đình, tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng đến nòi giống chúng ta. Do đó, không thể không có những hành động cụ thể, thiết thực để loại trừ thực phẩm bẩn ra khỏi xã hội.

 

Những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều chương trình hành động cải thiện vấn đề VSATTP trên toàn địa bàn và thực tế đã có những chuyển biến. Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề VSATTP trong tình hình mới", 5 năm qua tỉnh ta đã triển khai đồng loạt nhiều phong trào, hoạt động gắn với đảm bảo ATVSTP, trong đó đáng chú ý có phong trào "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Phụ nữ thực hiện ATVSTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng". Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về ATVSTP cũng được quan tâm. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được khoảng 100 lớp tập huấn nghiệp vụ cho trên 6.500 người là lãnh đạo và cán bộ làm công tác ATVSTP ở địa phương. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, chất cấm và hoàng hóa không đảm bảo ATVSTP. Từ năm 2011 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành trên 1.000 vụ kiểm tra, trong đó phát hiện 5 vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trên 430 vụ vi phạm hàng giả và trên 570 vụ vi phạm ATVSTP, thu nộp ngân sách tổng số tiền gần 3,9 tỷ đồng. 

 

Thông qua công tác đảm bảo ATVSTP, tình hình vi phạm đã giảm xuống đáng kể. Kết quả cho thấy, số cơ sở được kiểm tra mắc các lỗi vi phạm ATVSTP đã giảm từ 22% năm 2012 xuống còn 14% năm 2015, trong đó số cơ sở vi phạm bị xử phạt tăng từ 4% năm 2012 lên 6% năm 2015.

 

Tuy vậy, sòng phẳng mà nói, nhận thức về vấn đề ATVSTP của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Báo cáo của Ban Tuyên giáo về thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Bí thư Trung ương đã chỉ rõ một số tồn tại đó là: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về công tác đảm bảo ATVSTP còn hạn chế, dẫn tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt, hiệu quả. Việc kiểm tra, giám sát về công tác này có lúc, có nơi còn buông lỏng (nhất là đánh giá chất lượng thực phẩm tại các chợ đầu mối, siêu thị hoặc quán ăn đường phố). Lực lượng chức năng quản lý về lĩnh vực ATVSTP còn mỏng, đôi khi quản lý còn chồng chéo, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Thực trạng tồn dư hóa chất, ô nhiễm hóa chất bảo quản trong một số thực phẩm chưa được cải thiện. Tỷ lệ cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm chưa được kiểm soát chặt chẽ còn cao. Trách nhiệm của người sản xuất quy mô nhỏ lẻ đối với sức khỏe cộng đồng còn bị xem nhẹ. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP còn thấp... Cùng với đó, nhận thức của phần đông người tiêu dùng về ATVSTP còn hạn chế.

 

Do đó, để đấu tranh loại trừ thực phẩm không đảm bảo an toàn ra khỏi cộng đồng, nhiều giải pháp căn cơ đã được đề xuất. Đáng chú ý là các nhóm giải pháp về đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, về cơ chế quản lý, phối hợp và về kiểm tra, phát hiện, xử lý răn đe. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSTP đến cả người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng để hướng dẫn, định hướng thay đổi hành vi bảo đảm ATVSTP theo từng nhóm đối tượng. Cụ thể, phải giúp mọi người biết cách phân biệt hàng thật, hàng giả, tác hại của sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Người vi phạm ATVSTP phải được xem là có tội, không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất mà có hàng hóa bị làm giả cần phải có biện pháp tự bảo vệ, cung cấp cho lực lượng chức năng phương pháp nhận biết hàng thật, hàng giả...

 

Về cơ chế quản lý, thanh, kiểm tra, cần xây dựng đội ngũ chuyên trách về ATVSTP, có đủ khả năng quản lý, điều hành và triển khai các hoạt động bảo đảm ATVSTP. Các ngành liên quan cần phải có sự phối hợp tích cực, hiệu quả, tránh chồng chéo trong quản lý ATVSTP. Tăng cường kiểm tra liên ngành, xử lý thật nghiêm theo quy định, tạo tính răn đe mạnh mẽ. Đồng thời duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình về sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn. Gây dựng các phong trào quảng bá hình ảnh, sản phẩm an toàn, tạo thói quen cho người tiêu dùng sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng...

 

Như vậy, có thể thấy lúc này trách nhiệm đảm bảo ATVSTP không còn thuộc một cá nhân, tổ chức nào mà là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tuyên chiến, tẩy chay và loại bỏ thực phẩm bẩn ra khỏi xã hội chính là chung tay vì sức khỏe cộng đồng và bảo vệ giống nòi.

Sơn Trường
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: