Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích

Cập nhật: Thứ sáu 28/02/2020 - 16:23
 Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 (Đại Từ).
Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 (Đại Từ).

Đại Từ là một trong những địa phương của tỉnh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó nhiều di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia. Do vậy, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đại Từ luôn quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn, đặc biệt là huy động mọi nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích.

Chúng tôi có mặt tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7, tại tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, vào một ngày đầu năm và được chứng kiến nhiều lượt khách tham quan đến dâng hương, tổ chức lễ tri ân Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ. Đây là điểm nối tuyến tham quan Khu du lịch hồ Núi Cốc với các điểm di tích lịch sử cách mạng tại ATK Định Hóa và ATK Tân Trào (Tuyên Quang).

Ông Nguyễn Đình Đông, thành viên của Ban Quản lý Khu di tích cho hay: Trung bình mỗi năm, Khu di tích đón khoảng 10.000 khách tới đây, đặc biệt là dịp đầu năm và Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Với chức trách của mình, chúng tôi luôn có ý thức giữ gìn khuôn viên Khu di tích sạch, đẹp, đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn các đoàn khách tới tham quan, chiêm bái cũng như tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử của Khu di tích. 

Ngoài Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7, trên địa bàn huyện còn nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng khác, như: Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên tại xã La Bằng; nơi ra đời Đội Thanh niên xung phong ở xã Yên Lãng; nơi nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Đến nay, trên địa bàn có gần 170 di tích, trong đó có 48 di tích đã được xếp hạng, bao gồm 9 di tích cấp Quốc gia và 39 di tích cấp tỉnh. 

Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn, huyện đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Đại Từ gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. Theo đó, huyện đã thực hiện rà soát và xác định những điểm có giá trị về văn hóa, khoa học, lịch sử để lập hồ sơ khoa học đề nghị UBND xếp hạng di tích cấp tỉnh và đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Quốc gia.

Trong 4 năm thực hiện Đề án, đã có thêm 6 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 2 di tích Quốc gia, nâng tổng số di tích được xếp hạng của huyện lên 48 di tích. Cùng với đó, huyện đã kiện toàn và thành lập mới 26 ban quản lý di tích tại các xã, thị trấn và 1 ban quản lý di tích cấp huyện. 100% số ban quản lý di tích đều có quy chế hoạt động. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý tốt hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại các di tích; phát trên 8.000 tờ rơi quảng bá, giới thiệu về một số di tích tiêu biểu trên địa bàn; lắp đặt pano; cấp phát sách “Di tích và danh thắng huyện Đại Từ” đến các cơ quan, đơn vị, trường học nhằm giáo dục lịch sử địa phương cho các thế hệ…

Bên cạnh đó, huyện đã huy động các nguồn lực, bao gồm kinh phí đầu tư của tỉnh, trung ương, nguồn ngân sách của huyện và nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo, sửa chữa các di tích xuống cấp. Cụ thể, từ năm 2016-2019, đã có 17 di tích được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Đơn cử như: Sửa chữa, mở rộng Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7; sửa chữa Di tích đền Gàn, ở xã Vạn Thọ; tôn tạo Di tích Nơi thành lập Trung đoàn 246, ở xã Na Mao; trùng tu, sửa chữa Di tích Địa điểm Xưởng quân giới H53, ở xã Phú Lạc… Bên cạnh đó, huyện cũng bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa, chống xuống cấp các di tích hàng năm.

Song song với công tác bảo vệ và tôn tạo, việc phát huy các giá trị văn hóa thông qua tổ chức các lễ hội truyền thống cũng luôn được huyện duy trì tốt, tiêu biểu là: Lễ hội Núi Văn-Núi Võ, Lễ hội Nghè, Lễ hội Trà Đại Từ, Lễ hội chùa Sơn Dược… Qua đó, thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan, khám phá, dần hình thành các tuyến du lịch sinh thái gắn với tâm linh, lịch sử.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng của các di tích, xác định mức độ xuống cấp để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo, đồng thời, tiếp tục vận động cán bộ và nhân dân giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Năm 2020, huyện đã xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo một số di tích đã xếp hạng và đã trình UBND tỉnh, như: Quy hoạch mở rộng và sửa chữa, chỉnh trang nâng cấp Khu di tích lịch sử Quốc gia 277; mở rộng, tôn tạo Di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên…

 

Thu Huyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: