Người Mông và khát vọng vươn lên từ "con chữ" (Kỳ II)
Chông chênh "con chữ"

Cập nhật: Thứ sáu 21/08/2020 - 10:36
 Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), được xây dựng từ năm 2008, ngay tại trung tâm bản người Mông Khuổi Mèo đã đáp ứng nhu cầu học tập của con em người dân tộc Mông. Ngôi trường này là nơi giảng dạy và học tập của 20 cán bộ, giáo viên và trên 130 học sinh.
Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), được xây dựng từ năm 2008, ngay tại trung tâm bản người Mông Khuổi Mèo đã đáp ứng nhu cầu học tập của con em người dân tộc Mông. Ngôi trường này là nơi giảng dạy và học tập của 20 cán bộ, giáo viên và trên 130 học sinh.

Nói “con chữ” nơi bản Mông vẫn còn chông chênh là bởi những năm qua, vẫn còn tình trạng học sinh người Mông bỏ dở việc học để lo việc cưới xin. Và dẫu con em bản Mông đã có người học lên đại học, cao đẳng thì con số này vẫn vô cùng khiêm tốn (mỗi bản chỉ có từ 1 đến 4 người). Nhiều người học xong, đã được đi làm nhưng vì chưa đủ “điều kiện cần” nên vẫn dừng chân ngoài “cửa vào” công chức… Đây là một thực tế, một bài toán chưa có lời giải đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng…

Nuôi “con chữ” chưa no

Chúng tôi đến bản người Mông Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) vào một ngày thu đầy nắng. Ngay giữa trung tâm bản, Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn hiện ra thật khang trang. Năm học mới chưa thật sự khởi động, nhưng Nhà trường đã cắt cử giáo viên đến dạy chữ cho những trẻ năm nay vào lớp 1. Lũ trẻ thấy có khách, ngơ ngác nhìn người lạ. Khi chúng tôi trò chuyện cùng các em, bọn nhỏ hầu như không hiểu chúng tôi nói gì.

Thầy giáo Nông Văn Hữu, đã gắn bó với mái trường ở bản vùng cao này được 8 năm cho biết: Đầu năm học là thời điểm chúng tôi phải “đánh vật” với học sinh lớp 1 vì các con không biết nói tiếng phổ thông. Bởi thế, thầy, cô giáo vừa dạy tiếng, vừa dạy chữ, khó khăn nhân đôi nhưng hiệu quả trong giảng dạy lại giảm đi mấy phần.

Mang thắc mắc này chia sẻ với anh Vương Văn Hình, vị trưởng bản mới “nhậm chức” vài tháng trước, anh bảo: Đây là phong tục của người Mông mình mà! Thậm chí khi được hỏi, sau này các con đã học xong tiểu học và THCS, gia đình có tiếp tục cho con học lên THPT và cao hơn nữa không, vị trưởng bản 29 tuổi này lưỡng lự: Còn phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình nữa chứ. Nếu khó khăn quá thì chỉ cần học hết cấp 2 là được rồi.

Người Mông ở bản Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) đã quan tâm hơn tới việc học hành của con trẻ. Trẻ em ngay trước khi vào lớp 1 đã được bố mẹ đưa đến trường để được thầy, cô giáo kèm cặp học tiếng phổ thông, học viết chữ.

Điều khiến chúng tôi trăn trở là chia sẻ của vị trưởng bản Khuổi Mèo không phải là cá biệt mà trái lại, đang hình thành trong nếp nghĩ của rất nhiều hộ dân ở các bản người Mông trong tỉnh. Thực tế này cho thấy, người Mông đã cho con đến trường nhưng những gia đình “thắt lưng, buộc bụng” cho con đi học lên đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chỉ chiếm số ít. Phần lớn, bà con đều có tư tưởng cho con biết đọc, biết viết, tốt nghiệp được bậc THCS là đạt yêu cầu. Vĩ lẽ ấy, đến nay, người Mông Thái Nguyên nuôi “con chữ” vẫn chưa no.

Bỏ học để… kết hôn

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng đã có những chuyến khảo sát thực tế và nhận thấy, vài năm gần đây, ở các bản Mông vẫn còn tình trạng học sinh người Mông bỏ học, kết hôn khi đang ở tuổi vị thành niên. Do đó, việc học hành dang dở, ước mơ học lên cao không thành hiện thực.

Cô giáo Trần Thanh Tân, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Đồng Hỷ) cho hay: Điều khiến chúng tôi trăn trở nhất là những năm gầy đây vẫn có vài trường hợp học sinh là  con em đồng bào dân tộc Mông ở bản Lân Đăm, Trung Sơn, Quang Sơn (Đồng Hỷ) đã kiên trì theo học lên đến cấp ba mà vẫn bỏ học giữa chừng để kết hôn. Thật ra, các em còn rất trẻ nên quyết định một việc lớn của cuộc đời chủ yếu dựa theo cảm tính và bản năng. Điều đáng nói là gia đình, bố mẹ các em chưa thật sự khuyến khích con cái học lên cao, không phân tích, khuyên can và vẫn còn tư tưởng cho con kết hôn sớm, đó mới là điều đáng lo ngại. Do vậy, dù giáo viên và nhà trường đã cố gắng thuyết phục, động viên các em tiếp tục đi học thì tỷ lệ thành công chỉ là con số không.

Cùng chung lo lắng về việc nhiều em người dân tộc Mông, còn đang ở lứa tuổi học sinh đã “vội” lấy chồng, chị Lý Thị Phương, người dân tộc Mông, đang định cư tại xóm Trường Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai) nói: Ở quê mình, người lớn thường mải làm ăn nên không thể theo sát bọn trẻ được. Vì thế, lũ trẻ giấu giếm gia đình tìm hiểu nhau ở trường, qua mạng xã hội. Đến khi đôi trẻ có thai ngoài ý muốn, mọi chuyện mới vỡ lở, người lớn biết chuyện thì cũng đã muộn rồi.

Cũng theo lời kể của chị Phương, cháu gái - con anh trai ruột của chị (xin được giấu tên) từ nhỏ đã ngoan ngoãn, chăm chỉ, luôn có ý thức học tập. Từ lớp 1 đến lớp 8 đều là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi cấp trường. Nhưng sang lớp 9, cháu quen bạn trai, bỏ bê việc học, rồi sau đó lỡ mang thai nên gia đình đành cho cháu nghỉ học để… lấy chồng. Vậy là mẹ cháu, buộc phải làm bà ngoại khi mới 31, 32 tuổi.

Cần lắm những cán bộ người Mông

Địa phương có cần cán bộ là người Mông không? Khi đặt câu hỏi này với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, chúng tôi đều nhận được chung một câu trả lời là: rất cần. Viện dẫn cho sự cần thiết có cán bộ người dân tộc Mông, ông Chu Đức Hậu, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) nói: Khi muốn bà con đưa giống mới, áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt, nếu là cán bộ người Mông, họ sẽ hiểu rõ tâm lý và suy nghĩ của người dân mình, từ đó có biện pháp tuyên truyền thuyết phục hơn để bà con nghe theo.

Đồng quan điểm với ông Hậu, ông Nông Quý Dương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc (Võ Nhai) cho rằng: Phần lớn, bản người Mông đều nằm ở địa bàn hẻo lánh nên khi xây dựng được cán bộ là người Mông có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, từng sinh ra, lớn lên ở địa phương, luôn song hành cùng bà con thì việc ngăn chặn các phần tử xấu, đạo lạ xâm nhập vào địa bàn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Minh chứng này được thể hiện rất rõ qua những chia sẻ của chị Hoàng Thị Bích Mai, người dân tộc Mông, cán bộ đang công tác tại UBND xã Quang Sơn (Đồng Hỷ). Chị cho hay: Với lợi thế là người dân tộc Mông, khi đến với bà con, mọi người rất yêu quý tôi. Các bà, các mẹ không biết tiếng phổ thông thì tôi sẽ tỷ tê, tâm sự bằng tiếng của dân tộc mình để mọi người đều thực hiện theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và không để các phần tử xấu lợi dụng…

Tạo nguồn bằng cách nào?

Hiện nay, con em đồng bào các dân tộc Mông không được ưu tiên, khuyến khích cử tuyển đi học chuyên môn ở các trường đại học nữa. Trong khi đó, ngay từ thời điểm vào lớp 1, xuất phát điểm của trẻ em người Mông đã không được thuận lợi khi các em không biết nói tiếng phổ thông, kết quả học tập thấp. Hơn nữa, trong suốt quá trình học tập, bố mẹ các em cũng chưa có điều kiện để đầu tư nhiều cho việc học của con cái. Bởi vậy, trong cuộc “chạy đua” vào các trường đại học, cao đẳng, học sinh người dân tộc Mông khó có thể đỗ vào các trường đại học. Kể cả việc xét tuyển vào công chức cũng khó khăn gấp bội phần.

Ông Chu Đức Hậu, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn trăn trở: Chúng tôi có một cán bộ là người dân tộc Mông nhưng vì chưa đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định nên không thể xét tuyển đối tượng này vào công chức. Do đó, địa phương rất mong tỉnh có những cơ chế “mở” trong quá trình xét tuyển dành cho những trường hợp đặc biệt như thế này.

Thực tế trên cho thấy, việc có các cơ chế, chính sách ưu tiên cho học sinh người dân tộc Mông trên địa bàn là rất cần thiết. Ông Hoàng Phong, Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh cho rằng: Để nuôi dưỡng được những cán bộ người dân tộc Mông thì việc đầu tiên là các cấp, ngành chức năng nên đẩy mạnh công tác khuyến tài, khuyến học, giúp đỡ học sinh, sinh viên là người Mông có đủ điều kiện phát huy năng lực, khả năng của mình. Đồng thời, hằng năm rà soát, kết nạp những trường hợp cán bộ là người dân tôn Mông vào Đảng và sử dụng vào những vị trí làm việc thích hợp.

Còn theo anh Hoàng Văn Nhính, trưởng bản người Mông Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương), tỉnh nên có cơ chế ưu tiên để tuyển dụng những “người con” của bản Mông đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Bởi lẽ, để có thể cho con theo đuổi con đường học hành, ngoài ý trí, nghị lực của lớp trẻ thì bố mẹ các em đã phải nỗ lực rất nhiều mới có thể lo đủ kinh phí cho con được đi học lên cao.

Chuyện người Mông Thái Nguyên nuôi “con chữ”, đến nay mới đi được nửa chặng đường. Và để người Mông có thể học lên cao hơn, có nhiều người trở thành cán bộ, được cống hiến cho đất nước, quê hương, bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước vẫn cần sự nỗ lực, kiên trì bền bỉ của lớp trẻ; của bậc mẹ cha ở những bản người Mông nằm trên đỉnh núi mờ sương.  

Huệ Dinh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: