Chủ động, tự chịu trách nhiệm
Cửa hàng rau an toàn của Doanh nghiệp Thái Cương (phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên) - một trong những cơ sở đang nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. |
Với chủ đề: “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”cho tháng hành động, đã hướng đến mục tiêu nâng cao trách nhiệm người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước pháp luật về điều kiện, xuất sứ, nguồn gốc và quy trình, kỹ thuật, công nghệ sản xuất… Đây cũng là một trong những nội dung mới của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành ngày 2/02/2018 thay thế các quy định cũ.
Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “Điểm mới trong Nghị định số 15 đó là doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan Nhà nước để xác nhận”.
Thực hiện các nội dung của Nghị định số 15, có thể thấy tính chủ động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh được tăng lên. Theo đó, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, các cơ sở sơ chế sản phẩm ban đầu, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống… sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP mà được quyền tự công bố và chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, các cơ sở này phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đản ATTP tương ứng khi sản xuất và kinh doanh.
So với những quy định cũ trước đây, 100% mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khi thông quan đều phải kiểm tra chuyên ngành, thì nay mở rộng diện không cần kiểm tra. Chẳng hạn, các sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm tạm nhập để bán tại các cửa hàng miễn thuế; hay sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở…Việc kiểm tra về ATTP nhập khẩu được thực hiện theo một số phương thức, trong đó với phương thức kiểm tra giảm (chỉ kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm) do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên.
Phương pháp kiểm tra giảm áp dụng đối với lô hàng, mặt hàng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Lô hàng đã được xác nhận đạt yêu cầu về ATTP bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước đã ký kết điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra ATTP mà Việt Nam là thành viên; có kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu đối với lô hàng, mặt hàng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; DN có 3 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường; được sản xuất tại cơ sở có áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu bao gồm sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm mang theo người nhập cảnh, gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi của người nhập cảnh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyển đi; thực phẩm nhập khẩu là quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế; sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế và hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Nghị định đã có thay đổi căn bản về cơ chế quản lý nhà nước từ tiền kiểm tra sang hậu kiểm. Căn cứ công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm theo quy định pháp luật. Trước đây, doanh phải chờ đợi, phải xếp hàng để xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, mất rất nhiều thời gian, công sức. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ biết làm thủ tục kinh doanh, nghĩa vụ về ngân sách, hạch toán kinh tế… khi làm các thủ tục pháp lý về ATTP lại cần các điều kiện chứng nhận sức khỏe, kiến thức về ATTP, thiết bị, mặt bằng, công nghệ chế biến… mất nhiều thời gian, chờ thẩm định…mới xin được giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Theo bà Trương Hà Nhi (Doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm và tổ chức giết mổ gia súc, gia cầm tập trung xã Sơn Cẩm, T.P Thái Nguyên) cho rằng: “Nghị định số 15 hướng dẫn ATTP giúp doanh nghiệp tiết kiệm 90% thời gian và công sức trong việc thực thi thủ tục hành chính, nhưng sẽ nâng trách nhiệm của doanh nghiệp với sức khỏe người tiêu dùng lên 100%”.
Để tránh chồng chéo, bỏ sót trong phân công quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Nghị định 15 quy định nguyên tắc phân công quản lý nhà nước như sau: Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào thì cơ quan đó quản lý.
Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.