Đẩy mạnh truyền thông về dân số từ cơ sở
Cộng tác viên DS-KHHGD xóm Đội Cấn, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), tuyên truyền cho chị em phụ nữ về chăm sóc sức khỏe sinh sản. |
Truyền thông luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong công tác dân số góp phần không nhỏ trong vào ổn định quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, tạo chuyển biến tích cực trong công tác DS-KHHGĐ.
Có dịp đi cùng chị Trần Thị Thúy, cộng tác viên DS-KHHGD xóm Đội Cấn, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), trong một buổi tuyên truyền cho chị em phụ nữ về Pháp lệnh Dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, chúng tôi mới cảm nhận được sự nhiệt tình của đội ngũ cộng tác viên dân số với khẩu hiệu “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Nhờ vậy, 20 năm qua, xóm không có người sinh con thứ 3.
Chị Thúy cho biết: Xóm hiện có 81 hộ gia đình với 320 nhân khẩu sinh sống tập trung, 90% hộ dân làm nông nghiệp. Việc tuyên truyền ở đây đơn giản lắm, bà con đều là người chân chất, mình cứ trò truyện cùng bà con những lúc đi hái chè, làm đồng, dần dà mọi người không còn nặng nề vấn đề sinh con trai hay gái. Chúng tôi không chỉ tuyên truyền đối với phụ nữ mà còn truyền đạt đến những người đàn ông trong gia đình, họ cũng cần có sự thay đổi tư tưởng, không đặt nặng vấn đề phải có con trai nối dõi.
Chị Thúy cùng hơn 2 nghìn cộng tác viên dân số tại các xóm, bản, tổ dân phố là đội ngũ quan trọng góp phần làm nên những thành quả của công tác truyền thông DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Cùng với đó, công tác truyền thông về DS-KHHGĐ trên địa bàn toàn tỉnh luôn được chú trọng với các hình thức truyền thông trực tiếp, gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tư vấn, nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn về quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số cho hơn 17 nghìn đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, gia đình đông con, gia đình trẻ sinh con một bề, gia đình khó khăn, các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên và nam, nữ đến tuổi kết hôn...
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh còn phối hợp với các sở, ban, ngành nói chuyện chuyên đề về công tác dân số trong tình hình mới cho cán bộ công đoàn ngành các cấp; công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho trưởng xóm, trưởng các đoàn thể, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh... thực hiện nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục về những vấn đề nổi cộm, bất cập, các tấm gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực DS-KHHGĐ tại các địa phương.
Những thông tin thiết thực đã được chuyển tải đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và giàu sức thuyết phục nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho công tác dân số trong tình hình mới.
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Nhờ truyền thông mà nhận thức, hành vi của người dân dần thay đổi, chất lượng dân số được nâng lên rõ rệt. Truyền thông đã đến với từng nhà, từng thôn, xóm theo phương châm "mưa dầm thấm lâu", từ sự thay đổi nhận thức đến tự giác thực hiện và hành động. Sự chủ động và linh hoạt của truyền thông còn thể hiện ở chỗ vừa chủ động nội dung, chương trình truyền thông đều đặn, vừa phối hợp chặt chẽ với các chương trình, dự án... Chính vì vậy, hiệu quả của truyền thông tác động rõ rệt đến kết quả hoạt động của các chương trình, đề án và hoạt động thường xuyên của công tác dân số.
Thời gian tới, công tác truyền thông DS-KHHGĐ cần được duy trì, nâng cao chất lượng hơn nữa, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở...