Dễ và khó trong tác nghiệp báo chí thời nay

Cập nhật: Thứ năm 18/08/2022 - 18:39
 Phóng viên Báo Thái Nguyên cùng các đồng nghiệp tác nghiệp tại một sự kiện lớn. Ảnh: P.V
Phóng viên Báo Thái Nguyên cùng các đồng nghiệp tác nghiệp tại một sự kiện lớn. Ảnh: P.V

Tính đến giữa năm 2008, khi được điều chuyển sang làm Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Thái Nguyên, tôi đã có gần 28 năm làm báo in, nếu tính đến nay thì cũng gần 45 năm cầm bút. Nửa thời gian ấy, tôi làm báo theo công nghệ truyền thống, nửa còn lại là thời kỳ công nghệ số. Ngẫm từ quá trình tác nghiệp, tôi thấy làm báo thời nay (thời thông tin điện tử), dễ có dễ mà khó cũng vô cùng, nhất là với người làm báo Đảng…

Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời ngót đã trăm năm, đóng góp to lớn vào sự thành công của công cuộc chống giặc ngoại xâm và xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan báo chí và nhà báo được tôn vinh và trân trọng trong trái tim và khối óc của các tầng lớp nhân dân. Báo Thái Nguyên - Bắc Thái - Thái Nguyên cũng nằm trong binh chủng đó và có đóng góp không nhỏ.

Cho đến năm 1986, bước vào công cuộc đổi mới, cả nước có các cơ quan báo chí chủ lực là: Báo Nhân Dân; báo của một số ngành Trung ương và mỗi tỉnh, thành phố có 1 tờ báo Đảng (mỗi tuần ra 2-3 kỳ báo); Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam là các cơ quan báo chí Trung ương hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Ở mỗi tỉnh, thành phố còn có thêm một đài phát thanh cấp tỉnh và các đài truyền thanh cấp huyện, xã. Kinh phí hoạt động của các cơ quan báo chí chủ yếu do ngân sách cấp; cán bộ, phóng viên làm việc theo chế độ hưởng lương ngân sách. 

Tác nghiệp báo chí thời ấy, trong đó có những người làm báo ở Thái Nguyên, chủ yếu là đem chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phổ biến đến nhân dân và phản ánh cuộc sống, tâm tư của nhân dân đến các cấp lãnh đạo qua kênh báo chí. Các thể tài báo chí có sức nặng, như: Tin tức, xã luận, bình luận, điều tra, phóng sự, chuyên mục định kỳ… mang tính định hướng và dự báo có giá trị to lớn trong thông tin. Nghề báo và các cơ quan báo chí có điều kiện thuận lợi là chỉ tập trung về nội dung, lo tác nghiệp, xây dựng đội ngũ có Tâm, Tầm và say mê cống hiến. 

Những năm tháng trước đổi mới, báo chí của chúng ta giản dị và ngay ngắn. Nhiều nhà báo được tôi luyện trong chiến đấu, được tu dưỡng lập trường giai cấp đã trở thành những cây bút sắc bén. Uy tín và vị thế của báo chí không chỉ giúp cho định hướng của lãnh đạo trong công tác chỉ đạo được tốt hơn mà còn có vị trí xứng đáng trong lòng nhân dân. 

Rồi cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, đi liền với đó là mở cửa và hội nhập. Trong vòng mấy thập niên, số lượng đầu báo đã tăng lên đến ngót một nghìn, số lượng đài PT-TH lên đến trên 70 với hàng trăm kênh, chương trình PT-TH. Bộ, ngành nào cũng có phương tiện truyền thông của riêng mình. Các cơ quan báo chí trở thành cơ quan truyền thông đa nền tảng với đủ các loại hình báo chí. 

Báo Thái Nguyên là một trong những tờ báo đi đầu về ứng dụng công nghệ, sớm trở thành cơ quan báo chí đa nền tảng. Sự ra đời của mạng xã hội là bước tiến của truyền thông nhưng lại là rào cản của báo chí truyền thống. Từ chỗ tất cả mọi diễn biến của đời sống xã hội đều do báo chí phản ánh bỗng chốc mất thế độc quyền. Một cuộc đấu tranh mới ra đời: Đấu tranh để có thông tin sớm hơn. Công thức là: Đưa tin tức sớm nhất cộng với tin hấp dẫn, gây sự chú ý, thu hút người đọc. Và, chúng ta thấy rõ một điều, đất nước sau 35 năm đổi mới, thành tựu đem lại rất to lớn nhưng cùng với đó là tư tưởng, đạo đức, lối sống ở một bộ phận lãnh đạo có vấn đề; nguy hiểm hơn đó là tình trạng tự chuyển biến về lý tưởng, hành động, tự chuyển hóa về nhân cách… Báo chí không là ngoại lệ, có điều đối với báo chí tác động và tác hại sẽ khôn lường. Bởi người làm báo là người hoạt động chính trị, tư tưởng, sản phẩm của họ mang tính chất đại diện cho tư duy và hành động…

Bây giờ xin luận về hai chữ “dễ” và “khó” trong tác nghiệp báo chí hiện nay mà Báo Thái Nguyên là một hạt nhân. Trước tiên, nói về chữ dễ. Có thể nói việc nắm thông tin chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Tin tức tràn ngập trên các “xa lộ thông tin”, chuyển động từng giây, từng phút. Việc khai thác, tham khảo và phản ánh sâu hơn sự việc từ dòng chảy thông tin đó là quyền hợp pháp của người làm báo chuyên nghiệp. Thái Nguyên, như đã nói ở trên, có nền tảng kỹ thuật số phục vụ sản xuất và đời sống xã hội tốt. Chúng ta đã hoàn thiện hệ thống cổng thông tin, các báo điện tử, trang thông tin, hệ thống báo chí, PT-TH… Đó là thuận lợi, là việc dễ trong hoạt động tác nghiệp của người làm báo chuyên nghiệp. 

Nhưng, cái khó cũng vô cùng lớn, nó đòi hỏi cơ quan báo chí phải dũng cảm vượt qua. Đó là, thông tin trên Báo Thái Nguyên phải nhanh, có kiểm chứng, chính xác, tin cậy và có định hướng dư luận. Trong sự hỗn độn của tin tức, công chúng đặt niềm tin tuyệt đối từ thông tin của tờ báo Đảng. Báo Thái Nguyên hội đủ văn bia, nghe, nhìn và không biên giới, do vậy dù khó vẫn phải làm, đó là chất lượng thông tin mà báo đưa phải bảo đảm cho cả chỉ đạo, điều hành và thực hiện. Để làm được điều này cần có những cán bộ là nhà báo thực thụ. Có nghĩa là người làm báo phải có phông văn hóa, bản lĩnh chính trị và kỹ năng báo chí ngang với đòi hỏi của nghề. Trước một sự việc, đưa tin là phụ vì có rất nhiều cơ quan làm việc này, nhưng phát hiện, chỉ ra cốt lõi căn bản của sự việc và sự việc phải mang hơi thở cuộc sống mới là việc chính nhà báo phải làm. Có những chuyên mục là hồn cốt của tờ báo phải duy trì, như: Xã luận, bình luận, phóng sự điều tra, chuyên mục mang bản sắc của Báo Thái Nguyên… Làm tốt điều này, tờ báo mới vững vàng trước sự cạnh tranh thông tin và sẵn sàng tâm thế cho việc đặt hàng của Nhà nước trong tương lai gần.

Thành tựu và những đóng góp của Báo Thái Nguyên 60 năm qua là vô cùng to lớn. Luôn nhận ra và điều chỉnh, luôn tự thân vận động chính là truyền thống tốt đẹp của tờ báo.

Nhà báo Phan Hữu Minh, nguyên Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên (2000-2008)

 

Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: