Giải quyết sụt lún - Bài học luôn mới (Kỳ I)
Một số hộ dân ở các xóm Hòa Bình, Kim Cương, Trại Cau, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) đã phải chống nhà hoặc làm lán ra bên ngoài ở tạm do hiện tượng sụt lún trong khu vực. |
Lâu nay, báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực để nói về vấn đề sụt lún và giải quyết sụt lún ở một số địa phương trong tỉnh, trong đó đáng chú ý là ở khu vực khai khoáng thuộc địa bàn hai huyện Đồng Hỷ và Đại Từ. Câu hỏi đặt ra là tại sao vấn đề này đã diễn ra dai dẵng nhiều năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân mà chưa được xử lý dứt điểm? Theo phân tích của các nhà chuyên môn thì không phải chính quyền không quyết liệt vào cuộc, mà vấn đề ở đây là phương thức giải quyết chưa thật sự hợp lý. Chúng ta hầu như mới chỉ giải quyết được “phần ngọn” của vấn đề, tức là thấy ở đâu xuất hiện sụt lún thì tìm cách khắc phục ở đó, nhưng chưa có biện pháp giải quyết tận gốc, ngăn chặn ngay từ đầu.
Cả người dân và doanh nghiệp đều khổ
Hiện tượng sụt lún đã diễn ra từ hàng chục năm nay tại một số khai trường của Mỏ sắt Trại Cau (ở thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ) và khu vực khai thác than của Mỏ than Núi Hồng (ở xã Yên Lãng, huyện Đại Từ), nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Điều đáng nói là không chỉ người dân “chịu trận” mà chính các doanh nghiệp (DN) gây sụt lún cũng “khóc dở mếu dở”.
Cứ khai mỏ là người dân “chịu trận”
Cách đây gần 10 năm, hàng chục hộ dân ở thị trấn Trại Cau đã phải khổ sở vì hiện tượng sụt lún đất, mất nước do hoạt động khai thác quặng ở moong Thác Lạc (Mỏ sắt Trại Cau) gây ra. Không biết bao nhiêu lần người dân có đơn phản ánh, bao nhiêu lần chính quyền địa phương và đơn vị liên quan phải tổ chức họp bàn về phương án giải quyết mà vẫn không xong. Cuối cùng, hơn 3 năm sau, người dân vùng sụt lún mới được hỗ trợ di dời và bồi thường thỏa đáng. Tiếp đó, cách đây chừng 4 năm, Mỏ sắt Trại Cau tiến hành khai thác ở khu vực tầng sâu Núi quặng. Cùng lúc, một số DN khác cũng lập dự án khai thác tại đây và tình trạng sụt lún lại xuất hiện. Lần này, do moong khai thác có biên độ rộng và ở độ sâu hơn trước nên ngay lập tức có hàng chục hộ dân thuộc tổ 14, thị trấn Trại Cau và 3 xóm Hòa Bình, Kim Cương, Trại Cau của xã Cây Thị bị nứt tường, nghiêng nhà, mất nước, nhiều diện tích ruộng xuất hiện các hố sụt lớn dẫn đến tình trạng không thể canh tác. Một số hộ dân trong vùng nguy hiểm đã phải chống nhà cho khỏi đổ hoặc làm tạm lán ở ra bên ngoài.
Điều đáng nói là phạm vi sụt lún ngày càng mở rộng, tỷ lệ thuận với chiều sâu của moong khoáng sản. Lúc đầu chỉ có khoảng 30 hộ ảnh hưởng, đến nay tại khu vực này đã có cả trăm hộ. Ông Lê Văn Cầm, Trưởng xóm Hòa Bình không giấu nổi bức xúc: Trước chỉ có mấy hộ bị ảnh hưởng, gần đây có thêm mấy DN khai khoáng khác đến bủa vây xung quanh khiến chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên, luôn nơm nớp nỗi lo sập nhà.
Còn nhớ, có lần chúng tôi nghẹn lòng khi được chứng kiến hoàn cảnh của gia đình ông Nguyễn Văn Mùi, xóm Kim Cương, xã Hòa Bình. Mặc dù nền nhà bị nứt, tường nghiêng muốn đổ, rất nguy hiểm nhưng ông Mùi vẫn cố bám trụ không chuyển ra ở bên ngoài. Ông ngậm ngùi: Gia đình tôi còn mẹ già trên 90 tuổi. Cụ bị tai biến nên yếu lắm, nếu để cụ ra ngoài lán ở tạm, sương gió, mưa bão chắc không chịu nổi. Lỡ cụ làm sao, con cháu lại ân hận.
Còn tại huyện Đại Từ, cách đây 4 năm, khi Mỏ than Núi Hồng (Công ty Than Núi Hồng - Vinacomin) tiến hành mở rộng moong và tăng độ sâu khai thác ở khu vực xóm Đồng Ỏm và Đồng Cẩm, xã Yên Lãng đã khiến 15 hộ dân bị nứt nhà, mất nước. Khu cánh đồng phía Nam của Mỏ có diện tích khoảng 2ha xuất hiện tới 40 hố sụt. Dù đơn vị khai khoáng đã cho lấp số hố này, nhưng ngay sau đó lại xuất hiện hố sụt mới. Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường, đến nay tại khu vực này có trên 40 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 11 công trình nhà ở bị ảnh hưởng nghiêm trọng cần di dời ngay. Khi trao đổi với chúng tôi, đại diện các gia đình gồm: bà Đồng Thị Phương, các ông Phương Văn Mình, Phạm Công Anh, Nông Văn Hạ ở xóm Đồng Ỏm cho rằng, khi Mỏ bắt đầu nổ mìn khai thác là xuất hiện ngay hiện tượng nứt nhà, đến khi moong đạt độ sâu nhất định, vết nứt càng lớn, sụt lún càng sâu và mất nước sinh hoạt.
Như vậy, không chỉ tài sản bị thiệt hại, cuộc sống trở nên bất ổn mà ngay cả tính mạng của bà con cũng đang bị đe dọa từng ngày, nhất là khi thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan. Gần 2 tháng mưa bão liên miên vừa qua, chứng kiến cảnh bùn, than ngập ngụa các ngả đường, tường nứt, nhà nghiêng mới thấy hết được những vất vả mà cư dân vùng mỏ phải gánh chịu suốt thời gian qua.
Nỗi lòng DN khai khoáng
Không chỉ người dân chịu khổ mà bản thân DN khai khoáng cũng gặp cơ man khó khăn. Ông Mạc Đăng Niên, Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau trao đổi với chúng tôi bằng khuôn mặt buồn rượi: Gần 10 năm qua, ít khi Mỏ được hoạt động ổn định vì một phần thời gian dành để giải quyết vướng mắc liên quan đến sụt lún. Vừa chật vật giải quyết xong ở khu Thác Lạc, đơn vị lại bắt tay vào xử lý sụt lún ở khu tầng sâu Núi quặng. Cũng may là chưa có trường hợp nào thiệt mạng chứ không còn khổ gấp bội.
Theo người đứng đầu Mỏ sắt Trại Cau, từ năm 2014, khi hộ dân đầu tiên phản ánh về nứt nhà, sụt đất đến nay, Mỏ mất tới 1/3 thời gian vật chất để lo giải quyết. Đơn vị đã cử cán bộ thường xuyên đến tận nhà người dân thăm hỏi, động viên, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra tình hình, thống kê số hộ bị ảnh hưởng. Khi người dân báo mất nước sinh hoạt, Mỏ phải chạy vạy hỗ trợ lắp đường ống dẫn nước, bố trí xe bồn vận chuyển nước đến tận nhà. Khi bà con báo không còn nước sản xuất, Mỏ phải sử dụng máy bơm cỡ lớn hút nước từ lòng moong lên các cánh đồng để người dân canh tác. Vào mùa mưa bão vừa qua, khi thấy một số nhà dân bị nghiêng, phải chống, Mỏ đã xem xét hỗ trợ ban đầu làm lán ra bên ngoài cho bà con. Ngoài ra, Mỏ đã cùng với chính quyền địa phương bố trí hàng chục tỷ đồng để di dời khẩn cấp một số hộ trong vùng đặc biệt nguy hiểm ra bên ngoài. Đấy là chưa kể các khoản hỗ trợ thường xuyên mà Mỏ phải đứng ra lo toan, trong đó có tiền hỗ trợ diện tích đất canh tác kém hiệu quả của người dân do ảnh hưởng của sụt lún, mất nước.
Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau tâm sự: Đây là vấn đề không ai mong muốn. Người dân chịu khổ, DN cũng không yên ổn sản xuất. Bằng chứng là mấy năm gần đây, sản lượng khai thác, tuyển rửa quặng sắt của Mỏ đều không đạt kế hoạch đề ra. Trước tình hình đó, phía đơn vị chủ quản là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên buộc phải giảm chỉ tiêu giao sản lượng hàng năm từ 10% đến 15%. Từ đầu mùa mưa bão đến giờ, gần như hoạt động khai khoáng của Mỏ phải tạm dừng, một phần vì mưa nhiều, phần vì tập trung giải quyết sụt lún cho bà con. Việc sản xuất đình trệ khiến thu nhập của công nhân Mỏ giảm sút, đời sống người lao động càng khó khăn.
Đối với Mỏ than Núi Hồng cũng tương tự, từ khi gây ra hiện tượng sụt lún, nứt nhà dân đến nay, đơn vị này cũng mất rất nhiều thời gian, kinh phí để lo xử lý. Trước tiên là phối hợp với chính quyền địa phương khoanh vùng, cắm biển cảnh báo; bố trí kinh phí đền bù, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân nằm sát nơi khai thác của mỏ; bố trí kinh phí cho hoạt động quan trắc, tính toán mức độ, phạm vi ảnh hưởng… Theo lãnh đạo Công ty Than Núi Hồng, riêng việc phải tiếp các đoàn thanh, kiểm tra, báo chí và nhân dân, rồi chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, bố trí dẫn đoàn đi kiểm tra thực địa… cũng tốn không biết bao nhiêu thời gian của đơn vị.
(Còn nữa)