Giải quyết việc làm bền vững cho người lao động

Cập nhật: Thứ ba 10/04/2018 - 14:09
 Để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, Công ty CP Ván ép Việt Bắc (phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên) đang tuyển thêm lao động, nâng tổng số lao động lên 200 người.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, Công ty CP Ván ép Việt Bắc (phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên) đang tuyển thêm lao động, nâng tổng số lao động lên 200 người.

Thực hiện mục tiêu tạo việc làm mới cho 15.000 lao động trong năm 2018, ngay từ đầu năm, các địa phương và đơn vị trong tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Tỉnh đã đề ra kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển thị trường lao động nhằm giải quyết việc làm bền vững cho người lao động.

Thời gian qua, để phát triển thị trường lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung vào các hoạt động giao dịch việc làm, thông tin thị trường lao động, thường xuyên cung cấp các thông tin thị trường lao động, việc làm, thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, nhu cầu tìm việc làm thông qua mạng Internet… Qua đó, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận và kết nối thông tin thị trường lao động của tỉnh và trong cả nước. Đầu tháng 3-2018, tỉnh đã tổ chức thành công Ngày hội việc làm Xuân Mậu Tuất năm 2018 với sự tham gia của 35 đơn vị, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham dự đăng ký tuyển dụng hơn 30.000 lao động. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam cần tuyển 8.000 lao động; Công ty TNHH Hansol Thái Nguyên tuyển 2.000 lao động; Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG có nhu cầu tuyển 1.000 lao động; Công ty TNHH Glonics Việt Nam tuyển 1.000 người... Ngoài các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tuyển dụng lao động có thể đi làm ngay, các đơn vị cung ứng lao động còn giới thiệu cho người lao động ở Thái Nguyên hàng chục nghìn cơ hội việc làm tại các thị trường lao động nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada...

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm cho hay: Điểm đặc biệt của Ngày hội việc làm năm nay là có sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp đặt ngay tại Thái Nguyên như: Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công... Các doanh nghiệp đều cam kết sẽ đào tạo tay nghề vững chắc và tạo cơ hội làm việc lâu dài cho người lao động.

Ngoài Ngày hội việc làm, từ đầu năm đến nay, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương, đặc biệt là những xã nằm ở vùng đặc biệt khó khăn để người lao động được tiếp cận các thông tin về doanh nghiệp, cơ hội việc làm. Anh Dương Văn Hương, ở xóm Đồng Trình, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) chia sẻ: Tôi vốn làm công nhân may ở Hưng Yên với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình nên từ giữa năm 2017 tôi phải trở về quê, từ đó đến nay vẫn chưa có việc làm ổn định. Sau khi nhận được sự tư vấn tại Phiên giao dịch việc làm tôi đã nộp hồ sơ ứng tuyển vào Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG và được nhận đi làm bắt đầu từ tháng 5 tới.

Cùng với đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các huyện, thành, thị và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tổ chức Chương trình tuyển dụng lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện vào làm việc tại Công ty và các công ty đối tác. Qua đó, đã tạo được việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nghèo, cận nghèo. Chị Trịnh Thị Tú, ở xóm Na Pháng, xã Yên Trạch (Phú Lương) bộc bạch: Tôi vừa nhận được những đồng lương đầu tiên sau một tháng làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Với mức lương 5 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều lần so với làm nông nghiệp, niềm hy vọng về cuộc sống ổn định trong tương lai của gia đình tôi không còn xa.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017, toàn tỉnh có trên 21.000 lao động được tạo việc làm mới, hơn 36.000 lao động được đào tạo nghề, trên 1.000 người được đưa đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Số lao động tìm được việc làm qua hoạt động tư vấn, giới thiệu của các trung tâm dịch vụ việc làm đạt gần 30%. Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, phấn đấu tạo việc làm mới cho 15.000 lao động, đưa 1.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, nâng tỷ lệ lao động tìm được việc làm qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm lên trên 30%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%...

Tuy nhiên, để thực sự tạo được việc làm bền vững, cần có chính sách nâng cao tay nghề cho người lao động, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, cần có sự cam kết, đồng hành giữa tỉnh với các doanh nghiệp, đơn vị nhằm tuyển dụng lao động làm việc. Công tác đào tạo nghề cũng cần gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động. Cùng với các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, quảng bá thông tin trực tuyến, qua mạng xã hội… cần được đẩy mạnh. Thêm nữa, cần tích cực triển khai các chương trình vay vốn giải quyết việc làm, có kế hoạch thu thập và xử lý thông tin cung, cầu lao động để có chiến lược cụ thể cho từng giai đoạn, đẩy mạnh truyền thông về việc làm - xuất khẩu lao động…

Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: