Người Mông gỡ khó
Kỳ I: Trên những đỉnh núi mờ sương
Hiện nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông trong tỉnh đã đầu tư chăn nuôi lợn với quy mô khá lớn. Trong ảnh: Đàn lợn 10 con của gia đình anh Hoàng Văn Thính, Trưởng bản Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) hứa hẹn cho thu nhập 30-40 triệu đồng vào cuối năm nay. |
Hiện nay, cuộc sống của trên 1.500 hộ đồng bào dân tộc Mông ở 47 xóm, bản trong tỉnh đã khác xưa nhiều lắm. Đường vào bản đã mở, ngô lai đã bám rễ trên những triền núi dốc, trẻ em đến tuổi được đi học… Dù vậy, cuộc sống của nhiều hộ dân vẫn đang luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu khi thiếu điện, thiếu vốn đầu tư, thiếu đất canh tác và thiếu cả tri thức, kiến thức khoa học kỹ thuật… Giúp người Mông thoát nghèo là trách nhiệm của các cấp chính quyền, địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, làm gì để ổn định cuộc sống người dân lại là câu hỏi không dễ trả lời.
Nói đến những bản, làng có người Mông sinh sống là ta thường nghĩ đến những ngôi nhà, nương ngô nằm chênh vênh trên đỉnh núi mờ sương. Dù vậy, chúng tôi vẫn không từ bỏ ý định đặt chân lên đó để được hòa mình vào với cuộc sống của bà con, để cảm nhận được sự đổi thay và cả những khó khăn đang hiện hữu trong cộng đồng người Mông.
Lúa nước, ngô lai bén rễ và đường vào bản được mở…
Những ngày này, tiết trời ở Thái Nguyên đã bắt đầu lạnh về đêm và sáng sớm. Trên những đỉnh núi cao - nơi có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhiệt độ xuống thấp hơn ở khu vực trung tâm thành phố đến vài độ C. Bởi thế, khi men theo con đường đất đỏ gập ghềnh vào bản Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), chúng tôi cảm nhận được cái rét lùa qua tấm áo mỏng manh. Khung cảnh nương ngô xanh mướt trên núi, lúa vàng óng ả dưới đồng hiện lên trong sớm mai ở bản người Mông xa xôi này đã làm chúng tôi thấy ấm lòng. Anh Hoàng Văn Thính, Trưởng bản mộc mạc: Người Mông mình biết làm lúa nước, ngô cũng được trồng bằng giống mới, năng suất cao hơn nên cuộc sống của bà con trong bản đã bớt khổ nhiều rồi.
Đúng như chia sẻ của anh Thính, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở Khe Cạn đã nỗ lực vươn lên để vượt qua cái nghèo. Bà con đã cải tạo được 5ha ruộng cấy lúa; 20ha đất bãi trồng ngô… Tích cực đưa giống lúa, ngô lai vào sản xuất, năng suất lúa đã đạt khoảng 38 tạ/ha, năng suất ngô đạt khoảng 41-42 tạ/ha… Nhờ đó, bản có 33 hộ dân thì đã có 15 hộ dân thoát nghèo; 100% hộ dân trong bản có xe máy, ti vi… Đơn cử như gia đình ông Hoàng Văn Mùi, đã tích cực khai hoang vỡ ruộng, phát bãi, cải tạo đồi đất để trồng lúa, trồng ngô. Đến nay, gia đình ông đã có tới 2 mẫu ruộng, gần 1ha đất trồng ngô… Thóc, ngô gia đình ông làm ra không chỉ đủ ăn mà còn dành để chăn nuôi gia súc, gia cầm nên thu nhập của 8 nhân khẩu trong gia đình đã đạt từ 500-600 nghìn đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập không dễ đạt được đối với các hộ đồng bào dân tộc Mông trong tỉnh.
Cũng giống như Khe Cạn, bản người Mông Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai) đã khác 10 năm trước nhiều lắm. Trưởng bản Lý Văn Sinh, chia sẻ: Trước đây, phải trèo men theo con đường dốc đá thẳng đứng, mất 3-4 giờ đồng hồ mới vào được trung tâm bản. Đi lại khó khăn, Lũng Hoài gần như biệt lập với bên ngoài. Năm 2012, được Nhà nước đầu tư trên 25 tỷ đồng để làm con đường dài hơn 3km vào bản, cuộc sống của người Mông nơi đây đã đổi thay rất nhiều. Bà con thường xuyên đi chợ trao đổi, mua bán một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống; các cháu nhỏ có điều kiện ra trung tâm xã học tiếp lên cao. Hiện, bản có 17 cháu đang học tiểu học, bậc THCS có 16 cháu, 3 cháu đã học hết THPT trong đó có 1 cháu đang học đại học và 1 cháu đang học cao đẳng.
Không chỉ ở Khe Cạn, Lũng Hoài mà cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương); xóm Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ); xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung (Võ Nhai)… cũng đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều nơi, bà con đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Đáng nói là khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở các bản Mông đã giảm rõ rệt. Anh Ma Khánh Tuyên, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung cho rằng: Có được sự đổi thay ấy, bên cạnh những nỗ lực của người dân là sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước. Theo thông tin chúng tôi nắm được, những năm qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đồng bào người Mông ổn định cuộc sống. Riêng năm 2013, tỉnh đã phân bổ hơn 65 tỷ đồng để 4 huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương và Định Hóa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và đời sống cho 47 xóm có đồng bào dân tộc Mông thuộc 18 xã sinh sống. Trong đó, gần 63 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (chủ yếu làm đường giao thông), phần còn lại hỗ trợ bà con phát triển sản xuất như giá giống ngô lai, chăn nuôi…
Người Mông chưa hết khó
Ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng (Đồng Hỷ): Nếu không ổn định đời sống cho bà con, tỷ lệ hộ nghèo sẽ gia tăng, đời sống người Mông sẽ tiếp tục khó khăn vì rừng ngày càng cạn kiệt, đất bị rửa trôi, tình trạng trẻ em bỏ học, cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết sẽ tăng nhanh… Đặc biệt, lợi dụng khó khăn về kinh tế và nhận thức của đồng bào, việc truyền đạo trái phép vẫn có khả năng lan rộng ở bản Mông. |
Dù đổi thay rất nhiều nhưng hiện nay, đồng bào dân tộc Mông vẫn chưa thể hòa nhịp được với cuộc sống của những cộng đồng dân cư khác trong tỉnh. Ông Nông Văn Trân, Phó Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Điều kiện sống và canh tác của bà con gặp nhiều khó khăn do các xóm, bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống hầu hết đều cách xa trung tâm xã; địa hình phức tạp, chia cắt thành từng vùng, đi lại không thuận tiện; đất canh tác nằm ở các triền núi dốc, dễ bị rửa trôi, bạc màu. Nhất là hệ thống đường giao thông, chủ yếu là đường cấp phối, đường đất bị sạt lở. Trong số hơn 60km đường vào 47 bản Mông, hiện chỉ có 12km đường được xây dựng theo Chương trình xây dựng nông thôn mới; các phân trường ở đây cũng chỉ được xây dựng tạm bợ, học sinh phải học ghép lớp, nhà công vụ cho giáo viên chưa được đầu tư. Đặc biệt, vẫn còn 12 bản chưa được dùng điện lưới Quốc gia; một số nơi khác, điện đã về bản nhưng số hộ được sử dụng điện bình quân mới đạt gần 50%. Khó khăn chồng lên khó khăn khi nguồn nước sinh hoạt ở các bản người Mông phụ thuộc chủ yếu vào các khe suối. Về mùa đông nguồn nước thiếu trầm trọng đã ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống sinh hoạt thường ngày của bà con.
Ông Lý Văn Lù, bản Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai): Trước đây, mỗi năm, gia đình mình trồng 5kg ngô và 12kg lúa giống của địa phương. Trung bình mỗi kg ngô giống cho khoảng 15-20kg ngô hạt; 1kg thóc giống cho 30-40kg thóc. 3 năm nay, mình chuyển sang trồng giống ngô lai NK4300 và giống lúa An dân nên năng suất lúa, ngô đã tăng gấp 3 lần so với trước. |
Theo số liệu điều tra của các cấp, ngành chức năng, diện tích đất canh tác (trồng ngô, lúa) của đồng bào Mông trong tỉnh chỉ có khoảng trên 1.300ha (bà con đang thiếu đất canh tác); số đại gia súc là gần 1.800 con (chủ yếu là trâu, bò). Trong khi đó, do tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất cây trồng, vật nuôi không cao, dẫn đến đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện có đến 1.079 hộ thuộc diện nghèo, chiếm xấp xỉ 71% số hộ đồng bào dân tộc Mông trong tỉnh. Một số xóm, bản có tỷ lệ hộ nghèo cao, lên đến 85 và 100% như: Khuổi Mèo; Lũng Luông, Lũng Cà, Mỏ Chì (Võ Nhai); Lân Đăm, Bản Tèn, Mỏ Nước (Đồng Hỷ)…
Làm gì để người Mông hết khó nghèo? Để trả lời được câu hỏi này đòi hỏi tỉnh ta phải tạo được sức bật cho những bản, làng trên đỉnh núi mờ sương ấy.
Năm 2013, vốn chi hỗ trợ sản xuất, đời sống cho 47 xóm có đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh chỉ có hơn 2,5 tỷ đồng. Số kinh phí này lại bị chia nhỏ, dàn trải ra thành nhiều nội dung như thăm hỏi, tặng quà; hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, khuyến nông, giống, vật tư nông nghiệp, mua thiết bị sản xuất... làm cho chính sách hỗ trợ kém hiệu quả.
(còn nữa)