Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi

Cập nhật: Thứ sáu 14/07/2017 - 18:16
 Hàng ngày trẻ đến trường phải thực hiện rửa tay đúng vệ sinh trước khi vào lớp- hình thức thực hành nâng cao ý thức về vệ sinh sức khỏe của Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng (Đồng Hỷ).
Hàng ngày trẻ đến trường phải thực hiện rửa tay đúng vệ sinh trước khi vào lớp- hình thức thực hành nâng cao ý thức về vệ sinh sức khỏe của Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng (Đồng Hỷ).

Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng (Đồng Hỷ) được tiếp nhận khuôn viên, cơ sở vật chất của đơn vị quân đội từ năm 2015. Mặc dù cơ sở vật chất đã cũ, nhưng Trường đã tập trung cải tạo, dành ra trên 300m2 đất làm vườn rau sạch để tự túc một phần rau xanh trong bếp ăn Nhà trường.

Hàng ngày, sau giờ tan trường, tổ công đoàn Nhà trường cắt cử người thay phiên chăm sóc rau, vệ sinh cảnh quan môi trường xanh, sạch, nên từ năm học 2016-2017 đến nay, Trường đã chủ động được từ 5-7 ngày tự túc rau xanh tại chỗ cho trên 300 suất ăn. Để bảo đảm thực hiện tốt các quy định về VSATTP, hàng năm, trước khi vào năm học mới Nhà trường tiến hành họp Ban Đại diện Hội phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương để triển khai các quy định về VSATTP và tổ chức các tuần lễ rửa tay đúng vệ sinh, đồng thời đề xuất Hội phụ huynh, chính quyền địa phương giới thiệu nhà thầu cung cấp thực phẩm cho bếp ăn.

 

Cô nuôi Nguyễn Thùy Nhung cho biết: “Đối với nhà thầu cung cấp thực phẩm, Nhà trường ưu tiên lựa chọn người địa phương, có uy tín, có con em học tại đây. Điều này đồng nghĩa với việc chính họ là người mua thực phẩm cho con em mình hàng ngày. Hiện nay, hàng ngày Ban đại diện Hội phụ huynh đều cử người phối hợp với Nhà trường kiểm soát thực phẩm khi nhập vào bếp. Đặc biệt, tất cả các khâu thu mua, vận chuyển… đều có nguồn gốc rõ ràng, đủ điều kiện vận chuyển, người tiếp phẩm, chuyển hàng cũng được kiểm tra sức khỏe định kỳ, không mắc bệnh truyền nhiễm mới được tham gia vào chuỗi thu mua, cung cấp và sơ chế”.

 

Trong hoạt động thu mua, thông qua UBND xã, các hộ gia đình chăn nuôi và trồng rau, quả tại địa phương đủ điều kiện quy định về VSATTP hàng tháng đăng ký với nhà thầu cung cấp thực phẩm của Trường, hoặc báo với xã về thời điểm thu hoạch, sản lượng… để kết nối chuỗi sản xuất, phân phối và chế biến. Nhờ cách làm khép kín này, lượng thực phẩm tại địa phương đã đáp ứng được 80% nhu cầu cho bếp ăn Nhà trường. Số còn lại nhà thầu liên kết mua tại các đơn vị có uy tín, đảm bảo ATVSTP trên thị trường.

 

Bà Mai Thị Phượng trú tại xóm Tam Thái cho biết: “Hàng ngày tôi đưa cháu nội đến đây học, ngoài việc nhắc các cháu rửa tay sạch trước khi vào lớp, các cô giáo cũng thông tin thêm cho tôi kiến thức về VSATTP.  Bởi thế, chúng tôi ý thức hơn trong việc mua, chế biến thực phẩm hàng ngày tại gia đình”. Có thể nói, với cách làm lấy thực hành kết hợp vận động, tuyên truyền Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng đã trở thành một trong những điểm sáng về thực hiện VSATTP.

Thùy Dương-Lâm Thời (Đại học Khoa học Thái Nguyên)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: