Phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập
Với quy mô đào tạo lên đến 1,2 nghìn học viên/năm, TNG đã đầu tư hàng tỷ đồng thành lập Trung tâm đào tạo nghề có lớp học đặt ngay trong các nhà máy của mình. Trong ảnh, học viên thực hành trực tiếp trên dây chuyền sản xuất của TNG |
Với sự gia tăng mạnh các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, tỷ lệ học viên chọn các cơ sở dạy nghề ngoài công lập đã liên tục gia tăng trong gần 10 năm trở lại đây. Kết quả này phần nào cho thấy chủ trương xã hội hóa dạy nghề trên địa bàn Thái Nguyên đang đi đúng hướng.
Nếu như năm 2006, toàn tỉnh Thái Nguyên mới chỉ có 9 cơ sở dạy nghề ngoài công lập (trong tổng số 34 cơ sở dạy nghề) thì đến năm 2016, toàn tỉnh đã có tới 24 cơ sở, chiếm tỷ lệ 42,9% tổng số cơ sở dạy nghề trèn địa bàn. Tỷ lệ học viên theo học tại các cơ sở dạy nghề ngoài công lập do đó cũng tăng đều qua gần 10 năm trở lại đây (từ 15,5% năm 2006 lên 33,98% năm 2015): tổng số học viên tăng từ 3,39 nghìn (năm 2006) lên gần 10,3 nghìn người (năm 2015).
Về ngành nghề đào tạo, hệ thống các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay đang đào tạo các trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng các nghề chủ yếu như: công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến nông lâm sản, may, lái xe ô tô… phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Trường Trung cấp nghề Thái Hà có trụ sở ở xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) là một trong những cơ sở đứng đầu về lượng tuyển sinh dạy nghề khối các trường dạy nghề ngoài công lập. Được thành lập từ năm 2009, đến nay, trung bình, mỗi năm Nhà trường tuyển sinh khoảng 1,3 nghìn học viên theo học các ngành nghề: lái xe ô tô, hàn, sửa chữa ô tô, lái máy công trình… Để tuyển sinh được số lượng học viên lớn như vậy, Nhà trường đã dành kinh phí lên tới 45 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng cơ sở và trang thiết bị dạy học, thực hành. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế trong việc sử dụng các thiết bị từ đơn vị chủ quản, Trường Cao đẳng nghề Thái Hà bố trí được nhiều thời gian cho học viên thực hành trên các thiết bị đắt tiền như: cần trục, cẩu trục… Ngoài ra, theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Hiệu trưởng Nhà trường, để thu hút học viên, Nhà trường liên tục tìm kiếm các “địa chỉ đích” bằng cách kết nối thường xuyên với các nhà tuyển dụng để mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Qua đó, trên 70% học viên của Nhà trường tốt nghiệp có việc làm trong đó có nhiều vị trí làm việc tại các doanh nghiệp lớn với thu nhập cao.
Khác với Trường Cao đẳng nghề Thái Hà, Công ty CP đầu tư và thương mại TNG tổ chức dạy nghề với mục tiêu là đào tạo công nhân mới theo nhu cầu mở rộng sản xuất hoặc bù đắp cho số lượng hao hụt của 12 đơn vị thành viên là các nhà máy may và sản xuất hỗ trợ cho ngành may của mình. Với quy mô đào tạo lên đến 1,2 nghìn học viên/năm, TNG đã đầu tư hàng tỷ đồng thành lập Trung tâm đào tạo nghề có lớp học đặt ngay trong các nhà máy của mình tại 4 khu vực bao gồm: T.P Thái Nguyên, T.P Sông công, huyện Phú Bình và huyện Đại Từ. Để thu hút học viên, không chỉ toàn bộ kinh phí đào tạo sẽ do TNG chi trả mà mỗi học viên theo học khi bước vào thực hành đều được trả lương ở một mức nhất định cho những sản phẩm thực hành đạt yêu cầu và được sử dụng làm thành phẩm. Ngoài ra, tùy vào nguồn lực của nhà máy, mỗi học viên cũng được hỗ trợ thêm tiền ăn ca và được hưởng chế độ đưa đón miễn phí bằng xe buýt của Công ty. Bên cạnh đó, với mỗi công nhân sau đào tạo, nếu có nhu cầu và đáp ứng được yêu cầu về tay nghề, TNG đều tổ chức tiếp nhận và bố trí việc làm phù hợp với năng lực. Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Tổ chức TNG cho biết: Nhờ có những chính sách ưu đãi đặc biệt này mà TNG nhiều năm qua đào tạo được trên 1 nghìn học viên/năm qua đó bảo đảm duy trì được khoảng 10 nghìn công nhân làm việc tại các nhà máy, đơn vị trực thuộc.
Được biết, với khoảng 100 tỷ đồng đã đầu tư, 24 cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập trên địa bàn tỉnh có quy mô đào tạo khoảng 10 nghìn học viên mỗi năm. Ghi nhận đóng góp của các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, ông Dương Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Trong giai đoạn 2006 - 2010, nhu cầu học nghề lớn, lượng học viên học nghề năm sau luôn cao hơn năm trước, hệ thống các cơ sở dạy nghề ngoài công lập cũng vì đó phát triển khá mạnh về quy mô và ngành nghề đào tạo và đã đáp ứng tốt nhu cầu của học viên và các nhà tuyển dụng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015, công tác tuyển sinh dạy nghề gặp nhiều khó khăn dẫn tới kết quả tuyển sinh toàn tỉnh hằng năm không đều, tuy nhiên, ngược lại kết quả tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề công lập, các cơ sở dạy nghề ngoài công lập đã có những giải pháp thiết thực, duy trì được lượng tuyển sinh năm sau luôn cao hơn năm trước qua đó góp phần đưa tỷ lệ học viên theo học tại các cơ sở ngoài công lập tăng đều qua các năm.
Ông Hưng cũng cho rằng: Việc đa dạng hóa các loại hình cơ sở dạy nghề, đa dạng hóa các trình độ đào tạo và các hình thức đào tạo đã huy động tốt các nguồn lực từ các doanh nghiệp, cá nhân để tăng cường thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí cho dạy nghề. Phát triển xã hội hóa, cũng giúp giảm được áp lực kinh phí chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước do một số giáo viên dạy nghề đã chuyển dịch từ cơ sở đào tạo công lập sang cơ sở đào tạo ngoài công lập.
Tuy nhiên, theo ông Dương Duy Hưng, mặc dù thu hút được học viên theo học trong nhiều năm qua nhưng các cơ sở dạy nghề ngoài công lập vẫn chưa phát huy được tính năng động, tự chủ cần thiết. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề ngoài công lập vẫn còn hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên vừa thiếu lại vừa hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề dẫn đến chất lượng và hiệu quả chưa cao. Hạn chế này làm cho tốc độ xã hội hóa dạy nghề ở Thái Nguyên còn chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng của Chính phủ. Ngoài ra, một số chính sách về đất đai, tín dụng cũng là rào cản kìm hãm tốc độ xã hội hóa dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Để thúc đẩy thực hiện xã hội hóa công tác dạy nghề trong thời gian tới, ông Dương Duy Hưng cho biết: Ngành lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội… tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách về xã hội hóa dạy nghề; đề xuất với tỉnh thực hiện đơn giản các thủ tục hành chính trong việc thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập; thực hiện chuyển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công công lập sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích hoặc sang loại hình ngoài công lập… Phấn đấu thực hiện mục tiêu của Đề án quy hoạch mạng lưới dạy nghề của tỉnh đến năm 2020, nâng tổng số cơ sở dạy nghề toàn tỉnh lên 73 cơ sở trong đó có 40 cơ sở dạy nghề ngoài công lập.