Phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh

Cập nhật: Thứ hai 25/05/2020 - 09:53

Bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS) hay còn gọi là Thalassemia, là bệnh thiếu máu do tan máu di truyền. Đây không phải là căn bệnh mới nhưng những ảnh hưởng và hệ lụy là rất lớn. Không chỉ gây tổn hại sức khỏe người bệnh, gây tàn phá cấu trúc toàn diện trong cơ thể con người, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh mà còn tạo thêm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đó là chưa kể nguy cơ lây bệnh qua truyền máu do nhu cầu điều trị cần được truyền máu rất nhiều, dù là tai biến của điều trị không ai muốn.

Ở Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, người dân tộc thiểu số ở miền núi chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20- 40%. Mỗi năm, có khoảng hơn 8.000 trẻ em sinh ra bị TMBS, trong đó khoảng hơn 2.000 trẻ bị bệnh nặng. Tại Thái Nguyên, tỷ lệ mang gen Thalassemia ở người Tày, Nùng, Dao, Mông từ 9,09%  đến 12,2%. Như vậy với dân số gần 1,3 triệu người hiện nay của tỉnh Thái Nguyên, số người mang gen bệnh Thalassemia khoảng 160.000 người.

Đến thăm một số gia đình có con mang gen bệnh tan máu bẩm sinh ở Đồng Hỷ, chúng tôi nhận thấy, hầu hết những gia đình này đều có hoàn cảnh rất khó khăn; con cái ốm yếu. Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị M., xã Tân Lợi, có 3 con đều  mắc bệnh tan máu bẩm sinh. 2 cháu đã mất, 1 cháu đau yếu, hiện chị đang mang thai cháu bé thứ 4 và đã được cán bộ dân số xã tuyên truyền, hướng dẫn đi xét nghiệm sàng lọc công thức máu để kiểm tra. Bệnh tan máu bẩm sinh tuy nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh được bằng cách: Mỗi người nên chủ động làm các xét nghiệm và tham gia tư vấn tiền hôn nhân để phát hiện gen bệnh và phòng tránh. Đặc biệt, đối với những gia đình có người mắc bệnh tan máu bẩm sinh nên tới các trung tâm tư vấn và khám chữa bệnh kịp thời.

Năm 2020 là năm kỷ niệm lần thứ 34 năm của Ngày Thalassemia thế giới (08/5) với thông điệp: “Để bắt đầu kỷ nguyên mới đối với bệnh tan máu bẩm sinh, cần thực hiện ngay nỗ lực toàn cầu để người bệnh tiếp cận được các phương pháp chữa trị mới với chi phí hợp lý hơn”. Vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, gia đình, cộng đồng về tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; các biện pháp cần thiết và kịp thời để phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh nhằm làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, góp phần làm giảm gánh nặng về kinh tế và tinh thần của từng gia đình, cộng đồng, xã hội và góp phần nâng cao chất lượng dân số là rất cần thiết. 

Đối với Thái Nguyên, từ năm 2013, Chi cục Dân số, KHHGĐ đã triển khai mô hình can thiệp giảm tỷ lệ bệnh tan máu bẩm sinh trong cộng đồng. Ban đầu, mô hình được thực hiện tại 6 xã là Kim Sơn, Định Biên (Định Hóa); La Hiên, Dân Tiến (Võ Nhai); Hợp Tiến, Quang Sơn (Đồng Hỷ). Đến nay, mô hình tiếp tục duy trì triển khai tại 53 xã. Đây là những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hiểu biết về bệnh còn rất hạn chế nên trong trường hợp mang gen bệnh, nhiều người vẫn chưa biết cách phòng, tránh cho thế hệ sau. Thông qua các mô hình này, các cấp, ngành chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc khám và tư vấn tiền hôn nhân; khám sàng lọc trước sinh… Nhờ đó, những năm qua, tỉnh đã tầm soát và quản lý được bệnh tan máu bẩm sinh trên địa bàn.

Để làm tốt hơn nữa công tác này, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục triển khai mô hình can thiệp giảm thiểu mắc bệnh TMBS tới tất cả các huyện, thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnhTMBS; lợi ích của việc sàng lọc phát hiện sớm bệnh; hướng dẫn người dân sàng lọc bệnh; tổ chức tập huấn kiến thức về bệnh, kỹ năng truyền thông, tư vấn về bệnh cho các truyền thông viên…

Thu Nhài
(Chi cục DS-KHHGĐ)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: