Sự hy sinh thầm lặng

Cập nhật: Thứ hai 19/10/2020 - 15:07
 Bà Dương Thị Lợi chăm sóc chồng là ông Dương Văn Lục là thương binh, nạn nhân chất độc da cam
Bà Dương Thị Lợi chăm sóc chồng là ông Dương Văn Lục là thương binh, nạn nhân chất độc da cam

Trong chiến tranh, những người phụ nữ đã tiễn chồng, con lên đường đánh giặc, trở thành chỗ dựa tinh thần, hậu phương vững chắc cho những người lính ra mặt trận. Nước nhà thống nhất, có những người lính trở về mang trong mình di chứng chiến tranh, bị phơi nhiễm bởi chất độc da cam (CĐDC), các mẹ, các chị lại âm thầm chăm sóc chồng, con, xoa dịu nỗi đau trong những ngày trái nắng, trở trời.

Bà Dương Thị Lợi, xóm An Miên, xã Thành Công (T.X Phổ Yên) là một người phụ nữ như thế. Năm 1975, bà kết hôn với thương binh Dương Văn Lục khi ông đang điều trị vết thương ở Bệnh viện quân Y 109. Sau đó, ông Lục tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, tham gia chiến tranh biên giới năm 1979. Một mình bà vừa lo làm kinh tế, vừa chăm sóc nuôi dạy 4 người con. Năm 1994, ông Lục về công tác ở Ban chỉ huy Quân sự huyện Phổ Yên và năm 1998 nghỉ công tác.

Tưởng rằng từ đây cuộc đời bà Lợi sẽ được bù đắp những tháng ngày vất vả khi thiếu vắng chồng, nhưng sức khỏe của ông Lục ngày một suy yếu. Vết thương cũ trên cơ thể ông bắt đầu tái phát vào những ngày trái gió trở trời cộng với ảnh hưởng của CĐDC khiến ông mắc các bệnh về gan, phổi và thường xuyên phải nhập viện điều trị. Từ năm 2010 đến nay, ông bị tai biến phải nằm liệt giường, mất ý thức, không nói được.

Khó khăn chưa dừng ở đó, năm 2011, người con trai thứ tư của bà là anh Dương Văn Luân, mới tốt nghiệp đại học lại phát hiện mắc bệnh ung thư máu. Vài năm sau đó, con trai của anh Luân cũng đồng thời phát hiện bị dị mạch máu và phải điều trị thường xuyên tại bệnh viện. Trong vòng 20 năm, gần như năm nào bà Lợi cũng đi các bệnh viện lần lượt chăm chồng, con, cháu. Nén nỗi đau, bà gắng gượng vượt qua tất cả để làm tròn bổn phận làm vợ, làm mẹ và vai trò trụ cột, chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình.

Bà tâm sự: Khi ấy, từ những thứ có giá trị trong nhà đến ruộng nương tôi đem bán hết để chăm lo, chạy chữa cho chồng, cho con, cháu nhưng cũng chẳng thể cứu vãn được. Dù sống trong khó khăn song bà Lợi chưa một lời than vãn, bởi với bà chỉ cần được ở bên cạnh chồng, còn khỏe mạnh để chăm lo cho gia đình cũng như sự chia sẻ của cộng đồng là động lực để bà vượt qua khó khăn. Với sự hy sinh thầm lặng đó, năm 2016, bà là 1 trong số 10 người được UBND tỉnh khen thưởng là tấm gương điển hình trong chăm sóc nạn nhân CĐDC.

Cùng chung “nỗi đau da cam” như bà Lợi, là bà Nguyễn Thị Bích Thảo, tổ 2A, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Những năm 1959-1975 bà tham gia thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn. Tại đây, bà gặp và nên duyên vợ chồng với người lính của Đoàn vận tải 559. Hạnh phúc tưởng đã nở hoa khi năm 1975 bà hạ sinh bé gái đầu lòng nhưng khy sinh ra chân tay đứa bé đã co quắp sau đó không đi lại được dù đã chạy chữa khắp nơi. Sau này đi giám định mới biết, đioxin đã thâm nhập vào cơ thể ông bà và ảnh hưởng đến đứa con. Hai người con còn lại tuy không có dị tật gì nhưng lại kém nhanh nhẹn, khỏe mạnh so với bạn bè cùng trang lứa. Thương các con, bà Thảo xin nghỉ chế độ theo diện mất sức lao động để dành thời gian chăm sóc cho con. 45 năm đã trôi qua, không thể nói hết nỗi vất vả, buồn đau của bà khi hàng ngày nhìn đứa con mình sinh ra, lớn lên trong thiệt thòi và sức khỏe của hai ông bà ngày càng giảm sút. Sống trong hoàn cảnh đó, nhưng bà rất tích cực làm từ thiện, giúp đỡ mọi người cùng cảnh ngộ. Bà bảo đó cũng là cách giúp bà vơi đi nỗi buồn.

Là một người mẹ, có nỗi đau đớn nào lớn hơn chứng kiến con mình sinh ra lần lượt mất đi hoặc sống với đời sống thực vật, thân hình dị dạng. Thế nhưng nỗi đau ấy lại rơi vào bà Phạm Thị Nụ, vợ của nạn nhân CĐDC Hà Quang Vinh, xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên). Trong số 4 người con, thì 2 người mất từ khi mới lọt lòng, 2 người còn lại không được như người bình thường. Đặc biệt, con gái đầu bị di chứng nặng, sống trong vô thức, mọi sinh hoạt đều do bà Nụ chăm lo. Bà Nụ kể: Nhiều lần cháu lao vào bếp lửa khiến cháy một phần da thịt, hoặc xô vỡ đồ đạc, nhảy nhót trong buồng bị ngã gẫy chân… Nhà có 3 nạn nhân CĐDC, một mình bà Nụ tất tả ngược xuôi chăm lo cho gia đình.

Ba người phụ nữ kể trên chỉ là ba trong số hàng nghìn người vợ đang hàng ngày gồng mình chăm sóc chồng, con, cháu bị ảnh hưởng bởi CĐDC. Ông Hoàng Đức, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/đioxin tỉnh cho biết: Đối với người phụ nữ bình thường hoàn thành vai trò người vợ, người mẹ đã khá vất vả. Với nhứng người phụ nữ là vợ, mẹ nạn nhân nhiễm CĐDC, thương bệnh binh, hoặc bản thân cũng mang thương tật do chiến tranh thì công việc ấy càng khó khăn gấp bội. Lòng nhân hậu, tình mẫu tử và sự sẻ chia của cộng đồng luôn là sức mạnh để họ vượt lên tất cả. Để tri ân sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ ấy, hàng năm, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ, động viên các gia đình nạn nhân cũng như khen thưởng, tôn vinh những người phụ nữ có thành tích chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Mới đây, Hội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng trao tặng Bằng khen cho 12 phụ nữ tiêu biểu trong phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam” giai đoạn 2015-2020.

Lưu Phượng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: