Tự hào phóng viên Báo Thái Nguyên!
Phóng viên Báo Thái Nguyên tác nghiệp trong vùng dịch. |
23 tuổi, tôi may mắn trở thành phóng viên của Báo Thái Nguyên – tờ báo Đảng quê nhà, nay đã được 7 năm gắn bó. Ngôi nhà chung của chúng tôi giờ đã tròn tuổi 60. Với chúng tôi, Báo Thái Nguyên không chỉ là lựa chọn của thanh xuân mà là đích đến của cả cuộc đời!
60 năm trước, ngày 25/8/1962, Báo Thái Nguyên chính thức ra đời trên quê hương cách mạng, Thủ đô kháng chiến. Ngay từ số báo đầu, Báo Thái Nguyên đã bám sát tôn chỉ, mục đích hoạt động và từng bước khẳng định vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, là diễn đàn của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Báo Thái Nguyên cũng là một trong số những cơ quan báo đảng địa phương xuất bản báo điện tử sớm nhất, ngày 12/12/2001.
Nhớ ghi những dấu mốc lịch sử của Tòa soạn, thế hệ phóng viên trẻ của Báo Thái Nguyên chúng tôi cảm xúc để nói ra còn hơn cả hai chữ “tự hào”. Báo Thái Nguyên đã dạy chúng tôi luôn canh cánh, trăn trở, suy tư “viết để làm gì? viết cái gì? viết cho ai? viết thế nào?” mỗi khi đặt bút. Bởi hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng, tác phẩm báo chí không chỉ là sản phẩm đơn chiếc mà mỗi tin bài còn mang thương hiệu, uy tín của tờ báo được lớp lớp thế hệ cha anh dựng xây suốt 6 thập kỷ đã qua.
Phóng viên Hoài Anh trong một chuyến tác nghiệp tại xã Liên Minh (Võ Nhai).
Thời điểm 7 năm trước, khi mới vào Báo Thái Nguyên, tôi là người nhỏ tuổi nhất cơ quan. Dù được đào tạo bài bản về báo chí, nhưng những ngày đầu chập chững làm nghề tôi không khỏi bỡ ngỡ, các cô, chú, anh, chị đi trước giúp tôi học hỏi được rất nhiều điều.
2 tuần sau khi vào cơ quan thử việc, 5h30 phút sáng, tôi nhận được cuộc gọi của lãnh đạo phòng phân công đi tác nghiệp, phản ánh tình hình mưa lũ và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trong đêm trước. Ekip chúng tôi lập tức lên đường, chạy đua với thời gian để cập nhật thông tin lên báo. Và đó cũng là lúc tôi nhận thức rõ hơn về trách nhiệm và công việc của mình – nghề báo là dấn thân!
Nhiều người quan niệm: Phóng viên là “nghề đặc biệt”, được đi nhiều nơi, được gặp nhiều người, được trải nghiệm nhiều điều. Ở một nơi nào đó, phóng viên có thể là một nghề “mỹ miều” nhưng với những phóng viên công tác ở vùng cao, nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì đây là công việc có nhiều gian nan và nhọc nhằn đặc thù.
Phóng viên Việt Dũng tâm tình: Huyện Định Hóa có 23 xã, thị trấn, xã xa nhất cách trụ sở Báo Thái Nguyên gần 70km. Với đặc thù ở miền núi, địa bàn chia cắt mạnh, đi lại khó khăn, những chuyến tác nghiệp tại những xóm, bản vùng sâu, vùng xa đã trở thành một phần không thể thiếu trong công việc của chúng tôi. 3 năm gắn bó với mảnh đất này, tôi đã đi đến những bản làng xa nhất, sâu nhất; cùng ăn, cùng ở với bà con để có được những chất liệu hay nhất, hình ảnh đẹp nhất cho tác phẩm của mình.
Phóng viên Việt Dũng tác nghiệp tại huyện miền núi Định Hoá.
Và với nhiều người, việc trở thành thành viên Báo Thái Nguyên cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Như phóng viên Quốc Tuân, anh đã lăn lộn 4 năm với nhiều công việc khác nhau: Kỹ sư cơ khí, chế tạo máy; kỹ sư công nghệ sản xuất xi măng trước khi "đầu quân" cho Báo. Anh chia sẻ: Dấn thân mới biết nghề báo là nguy hiểm. Để mang tới những thông tin, hình ảnh chân thực cho bạn đọc, chúng tôi phải “nhập vai” vào các điểm nóng, đối mặt với rủi ro để khai thác thông tin, như loạt bài "Đầu tư lãi “khủng”: coi chừng mất trắng" về Công ty CP Đầu tư và Thương mại bất động sản Nhật Nam hay “Công ty CP Long Biên Hà Nội: Bất thường trong hoạt động Kinh doanh”... Ngay sau đó, nhiều áp lực đón chờ nhóm phóng viên chúng tôi. Từ những lời “dụ dỗ hạ bài" đến những cuộc gọi, những tin nhắn đe dọa, “hỏi thăm” khiến chúng tôi gặp nhiều áp lực. Nhưng cuối cùng, các bài viết được đăng thu hút đông đảo sự quan tâm của công luận.
Vài năm trở lại đây, với xu thế phát triển của báo chí hiện đại, chúng tôi từ những phóng viên viết báo in trở thành phóng viên đa phương tiện. Đã là phóng viên đa phương tiện thì “gì cũng phải làm được”, vừa viết, vừa chụp ảnh, vừa quay, dựng phim, vừa đọc lời bình và khi cần còn có thể đảm nhận thêm vai trò dẫn chương trình.
Phóng viên Nguyên Ngọc từng nói với tôi rằng: Thú thực, nhiều lúc cũng thấy nản, thấy khó. Từ việc bị từ chối cung cấp thông tin, bị áp lực thời gian, hay bị “ý kiến” vì những bài viết “có vấn đề”… nay lại “gánh” thêm vai phóng viên đa phương tiện. Nhưng xét cho cùng, nghề nào chẳng có cái khó, có nhọc nhằn. Một khi còn cầm bút thì phải làm tròn trách nhiệm với độc giả…
“Đêm hôm khuya sớm” sẵn sàng lên đường tác nghiệp.
Nhìn lại chặng đường đi qua mới hay mình đã trưởng thành hơn rất nhiều so với thuở mới vào nghề, từ kiến thức cho đến tư duy làm báo. Tôi cũng trở thành một thành viên của Phòng Báo điện tử đòi hỏi sự nhanh nhẹn và “đa năng”. Mỗi ngày làm báo với tôi vẫn luôn là một ngày mới mẻ, thú vị. Có một câu nói của nhà báo nổi tiếng Christiane Amanpour mà tôi rất yêu thích: Tôi tin rằng, báo chí tốt và truyền thông tốt có thể làm cho thế giới của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.
Cảm ơn Báo Thái Nguyên đã cho chúng tôi nhiều cơ hội để trải nghiệm về cuộc sống, thắp sáng "ngọn lửa" nghề và góp sức nhỏ bé của mình để làm nên những điều tốt đẹp.