Xã hội hóa dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
Tư vấn, chỉ dẫn cho khách hàng về phương tiện tránh thai tại phòng khám Tình chị em tại Trung tâm Y tế huyện Đại Từ. |
Những năm gần đây, Trung tâm Y tế huyện Đại Từ đã đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tại địa phương. Nhờ vậy, tư duy của người dân về KHHGĐ đã dần thay đổi, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu dân số - KHHGĐ tại huyện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ cho biết: Lâu nay, nhiều người dân vẫn quen với việc thực hiện các dịch vụ KHHGĐ miễn phí và và thường tìm đến các điểm cung cấp dịch vụ miễn phí của Nhà nước. Tuy vậy, nguồn lực này đang bị cắt giảm khá nhiều. Để giảm gánh nặng ngân sách, tạo sự công bằng, hợp lý với khả năng chi trả, điều kiện của mỗi nhóm đối tượng, việc chuyển đổi hành vi từ sử dụng phương pháp tránh thai miễn phí sang tiếp thị xã hội là cần thiết.
Thực hiện công tác xã hội hóa dịch vụ KHHGĐ, từ năm 2009, Trung tâm Y tế huyện Đại Từ đã triển khai mô hình phòng khám Tình chị em tại xã Cù Vân. Đến nay, toàn huyện đã có 13 phòng khám đặt tại Trung tâm Y tế và 12 trạm y tế xã. Phòng khám Tình chị em đã tạo cơ hội cho chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS). Chị Tạ Thị Thủy ở xóm Bãi Cải, xã Tiên Hội (Đại Từ) chia sẻ: Trước đây, chúng tôi chỉ đi bệnh viện khi có bệnh nặng, còn việc đi khám bệnh của phụ nữ hay đến các trung tâm để nghe tư vấn về sức khỏe sinh sản, chăm sóc con cái thì rất hiếm hoi vì điều kiện thời gian và tâm lý còn ngại ngùng. 2 năm trước, nghe các chị em giới thiệu về Phòng khám Tình chị em tại Trung tâm Y tế huyện, tôi thử đến khám thì thấy thái độ phục vụ của cán bộ ở đây rất tốt, hơn nữa so với các tuyến trên thì chi phí ở đây thấp hơn nhiều. Từ đó, tôi trở thành “khách quen” ở đây.
Được biết, Tình chị em là mô hình nhượng quyền xã hội trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực CSSKSS của mạng lưới y tế xã/phường” do tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) tài trợ với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức phi chính phủ Marie Stopes International (MSI). Tham gia dự án, các cán bộ y tế được đào tạo các kỹ thuật như: soi cổ tử cung, kiểm soát ung thư cổ tử cung, áp lạnh cổ tử cung, siêu âm, xét nghiệm… để đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Dự án cũng trang bị các dụng cụ y tế thiết yếu, phương tiện làm việc cho các trạm y tế, từ đó nâng cao năng lực quản lý cho mạng lưới y tế cơ sở trong việc cung cấp và duy trì bền vững các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ.
Ngoài mô hình phòng khám Tình chị em, hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Đại Từ còn đang triển khai thí điểm dự án Người giới thiệu, cung cấp sớm sản phẩm sức khỏe sinh sản – KHHGĐ tại cộng đồng do do Tổ chức MSI tài trợ nhằm tiếp cận và thử nghiệm phương thức thu phí dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ. Từ đó, góp phần từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách, đảm bảo người nghèo, cận nghèo và người thuộc diện chính sách sẽ được tiếp nhận dịch vụ miễn phí, trong khi những người có khả năng chi trả sẽ có trách nhiệm chi trả toàn phần hoặc một phần phí dịch vụ. Cách tiếp cận này sẽ giúp gia tăng được nguồn tài chính để tái đầu tư cho các hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại cộng đồng. Chị Đỗ Thị Linh, cán bộ DS-KHHGĐ xã Vạn Thọ (Đại Từ) cho biết: Chúng tôi đã thực hiện tuyên truyền về KHHGĐ bằng nhiều hình thức như: tư vấn, đối thoại, tài liệu, tờ rơi, loa phát thanh… Tất cả các biện pháp đều giải thích rõ lợi ích của việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, làm rõ những tin đồn trong nhân dân về tác hại của việc tránh thai. Từ đó, số người chủ động thực hiện các biện pháp tránh thai và tự nguyện chi trả cho dịch vụ cũng đã tăng đáng kể.
Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện Đại Từ đã tích cực phối hợp với Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện chỉ đạo đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt tâm lý và nhu cầu của đối tượng để có cách tiếp thị hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều người dân trên địa bàn đã dần được tiếp cận và tự nguyện trả tiền mua các sản phẩm tránh thai. Qua đó, góp phần làm thay đổi dần quan niệm “bao cấp” trong lĩnh vực DS-KHHGĐ sang “cùng chi trả”, chấp nhận trả phí một phần của các đối tượng sử dụng bao cao su và viên uống tránh thai tại địa phương. Năm 2017, toàn huyện Đại Từ có 12.113 lượt người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (đặt dụng cụ tử cung, cấy tránh thai, bao cao su...), trong đó có khoảng 30% sử dụng dịch vụ xã hội hóa.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Hiệu quả việc xã hội hóa dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ đã từng đầu được khẳng định. Không chỉ giúp khách hàng tiếp cận dịch vụ chất lượng cao một cách thuận tiện hơn, từ đó giảm chi phí đi lại và các chi phí liên quan khác, các mô hình xã hội hóa còn giúp các trạm y tế có thêm nguồn thu nhờ lượng khách hàng ổn định hàng năm. Thời gian qua, các mô hình xã hội hóa dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ đã góp phần cải thiện đáng kể SKSS và KHHGĐ của các nhóm dân cư có thu nhập trung bình và thấp và đóng góp nguồn lực cho ngành Y tế trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ lâm sàng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.