Bảo đảm an toàn dịp Tết Trung thu
Chi cục ATVSTP và các cơ quan chuyên môn kiểm tra quy trình sản xuất bánh của Công ty TNHH Thanh Bình tại phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). |
Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh kẹo, đặc biệt là bánh Trung thu tăng đột biến. Người tiêu dùng cần cẩn thận lựa chọn bởi lúc này nguy cơ mua lẫn các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm giả và sản phẩm không có nguồn gốc rất cao, gây mất an toàn.
Đến hẹn lại lên, vào những ngày này hàng năm, thị trường hàng hóa, thực phẩm phục vụ cho Tết Trung thu trở nên sôi động và phong phú. Trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm bánh Trung thu đa dạng về hình dáng và phong phú về nhãn hiệu, thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh sản phẩm của các doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng, như: Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị..., còn có thêm sự góp mặt của nhiều loại bánh do các cơ sở tư nhân sản xuất, với giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, có thể những ngày giáp Tết Trung thu, một số cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ sẽ tung ra thị trường các loại bánh kẹo có giá rẻ, không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nếu không được quản lý một cách chặt chẽ sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Nhằm làm tốt công tác đảm bảo ATTP vì sức khỏe cộng đồng, nhất là trong dịp Tết Trung thu, ngay từ tháng 7 và tháng 8-2019, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, toàn tỉnh đã thành lập trên 100 đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP các cấp; riêng cấp tỉnh thành lập 3 đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo đảm ATVSTP dịp Tết Trung thu tại các huyện, thị xã, thành phố. Đối tượng thanh tra, kiểm tra các cấp chủ yếu là cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, cá, trứng, sữa, các loại trái cây, các dịch vụ ăn uống…
Trao đổi với chúng tôi, bà Chu Thị Anh Hương, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ, Chi cục ATVSTP cho biết: Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, chúng tôi kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, kiến thức về ATTP, nâng cao ý thức bảo đảm ATTP của toàn xã hội. Hiện nay thị trường xuất hiện nhiều loại bánh tự chế biến bằng các nguyên liệu tự nhiên hoặc nhập khẩu rất hấp dẫn và đa dạng hình thức, mẫu mã. Ngay từ tháng 7/2019, Chi cục ATVSTP đã nhận được 25 cơ sở đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm an toàn theo đúng quy định pháp luật, trong đó có 12 cơ sở chế biến, sản xuất bánh ngọt. Đây là năm đầu tiên các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bánh ngọt quan tâm đầu tư chiều sâu trong việc đăng ký chất lượng và bản quyền thương hiệu. Ngay sau đó, Chi cục cũng đã hướng dẫn các cơ sở này tổ chức khám sức khỏe và trang bị các điều kiện chế biến, sản xuất theo các tiêu chuẩn pháp luật quy định. Khó khăn nhất chính là vùng nông thôn, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhập nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhưng chế biến, bảo quản khó đáp ứng điều kiện về ATVSTP. Đơn cử như điều kiện trưng bày, bảo quản phải ở nhiệt độ 18-20 độ C của một số loại bánh có kem bơ… Trong khi những loại bánh này chỉ để được 7-8 ngày với điều kiện được bảo quản tốt. Đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại thuộc thẩm quyền quản lý của cấp huyện, xã. Các hộ này chỉ cần cam kết với địa phương…
Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết thêm: “Chi cục đã phối hợp với ngành Công thương tổ chức tập huấn cho trên 300 lượt cán bộ làm công tác ATVSTP tại tuyến huyện và tuyến xã cùng gần 100 hộ làm bánh ngọt. Hiện nay, thị trường có các sản phẩm chế biến từ chè xanh, bột đậu đỏ, đậu đen…, chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở phải lưu mẫu sản phẩm, niêm phong đúng quy định, đồng thời ghi rõ thời gian sản xuất”.
Có thể thấy, thị trường rất phong phú về chủng loại và sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu năm nay, song để bảo đảm an toàn, rất cần sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.