Để người dân không chủ quan với bệnh lao

Cập nhật: Thứ tư 07/08/2019 - 14:54
 Những trường hợp khám bệnh vượt tuyến tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, khi phát hiện mắc bệnh lao đều được các bác sĩ tư vấn cách phòng, chống lao và làm thủ tục để họ được theo dõi, điều trị tại các trạm y tế.
Những trường hợp khám bệnh vượt tuyến tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, khi phát hiện mắc bệnh lao đều được các bác sĩ tư vấn cách phòng, chống lao và làm thủ tục để họ được theo dõi, điều trị tại các trạm y tế.

Là một trong những căn bệnh nguy hiểm, bệnh lao có nguy cơ cao lây lan cao trong cộng đồng và dễ dẫn đến tử vong. Khi người bị nhiễm bệnh không biết là mình đang mắc lao sẽ vô tình trở thành nguồn lây lan “mầm bệnh”. Đây cũng chính là một khó khăn trong công tác phòng, chống lao tại cộng đồng trên địa bàn cả nước nói chung và ở Thái Nguyên nói riêng.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm qua, Chương trình chống lao Quốc gia ở Thái Nguyên tiếp tục được duy trì và phát huy tốt kết quả đã đạt được của giai đoạn trước, duy trì mở rộng chương trình hoá trị liệu ngắn ngày với quản lý điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS), đối phó với vấn đề Lao - HIV và lao kháng thuốc lao. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và điều trị cho trên 425 bệnh nhân lao mọi thể, đạt xấp xỉ 47% kế hoạch năm. Trong đó, số bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học là 161 bệnh nhân, đạt 40,8% kế hoạch năm, thấp hơn 12 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2018. Thực hiện chiến lược DOST trong toàn tỉnh, thường xuyên giám sát việc quản lý, điều trị bệnh nhân lao tại huyện, xã, thăm bệnh nhân lao điều trị tại nhà nên tỷ lệ khỏi bệnh đạt 91%.

Có thể thấy, Chương trình đã mang lại kết quả tích cực. Dù vậy, nhiều bệnh nhân vẫn chủ quan với bệnh, không xác định được nguồn lây bệnh đã gây trở ngại cho công tác phòng, chống lao ở cơ sở. Trường hợp của ông Hoàng Văn Nghiên ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) là một ví dụ. Cách đây 2 năm, ông xuất hiện tình trạng ho kéo dài cả tháng, uống thuốc kháng sinh liều cao mà vẫn không dứt. Người thân trong gia đình động viên nhưng ông một mực cho rằng mình không có bệnh. Phải đến khi có tình trạng sụt cân, ông mới đến Bệnh viện Trung ương khám bệnh. Qua các kiểm tra, xét nghiệm đờm… bác sĩ kết luận ông bị bệnh lao phổi. Ông rất lo lắng và khó lý giải chính xác được căn bệnh này đã “xâm nhập” vào cơ thể mình theo con đường nào. Ông cho hay: Có lẽ tôi bị lây bệnh vì tiếp xúc với người mắc lao. Trong cuộc sống, việc mọi người vô tình trò chuyện, ngồi ăn uống cùng những người mắc bệnh lao là không thể tránh khỏi. Tôi cảm thấy rất áy náy vì không nghe lời người thân đi khám bệnh để có biện pháp phòng, chống bệnh cho những người xung quanh sớm hơn.

Tương tự như ông Nghiên, cụ Dương Văn Chí ở xóm Gò Lớn, xã Lục Ba (Đại Từ) cũng không biết vì sao mắc bệnh lao, dù cụ rất ít tham gia các hoạt động ăn uống, vui chơi ở chỗ đông người. Phát hiện mắc bệnh từ hơn 7 tháng trước, cụ Chí đang được cán bộ y tế xã Lục Ba theo dõi sát sao dù đã kết thúc giai đoạn điều trị duy trì.

Không xác định được nguồn lây bệnh là tình trạng chung của nhiều bệnh nhân mắc lao trên địa bàn tỉnh. Trong khi việc xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là điều quan trọng trong việc quản lý và điều trị bệnh nhân lao. Thực tế cho thấy, nhiều người dân chủ quan, thấy dấu hiệu của bệnh lao nhưng vẫn không đi khám vì cho rằng mình chỉ mắc các căn bệnh thông thường. Do đó, những bệnh nhân này không được phát hiện kịp thời và họ chính là “nguồn” lây nhiễm lao trong cộng đồng.

Bởi vậy, để phòng, chống căn bệnh này, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh nên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng. Ngoài những tờ rơi, sách bỏ túi cung cấp cho người dân hiểu biết về các dấu hiệu, đường lây nhiễm, sự nguy hiểm, biện pháp chữa trị đúng cách, thì nên thông qua tuyên truyền tập trung, tuyên truyền lồng ghép với các dự án Quốc gia về môi trường, xóa đói giảm nghèo…

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên thì thông qua tuyên truyền sẽ làm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao, qua đó giúp bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng, chống bệnh cho chính mình và mọi người trong cộng đồng. Đây không chỉ là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống lao mà cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân. Làm được như vậy mới mong khống chế, đẩy lùi, tiến tới thanh toán bệnh lao theo mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đồng thời, xây dựng củng cố mạng lưới chăm sóc sức khỏe bệnh nhân lao từ tỉnh đến cơ sở hoạt động có hiệu quả và ổn định; đào tạo cán bộ ở các tuyến nhằm nâng cao trình độ, năng lực thực hiện chương trình phòng, chống lao tốt hơn; đưa các dịch vụ phòng, chống lao đến gần với người dân hơn.

Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng khi được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Do vậy, để mỗi bệnh nhân hiểu rõ về tác hại của bệnh và điều trị kịp thời thì cùng với sự nỗ lực của lực lượng y tế, rất cần sự chung tay góp sức của toàn thể cộng đồng vào công tác phòng, chống lao.

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: