Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Cập nhật: Thứ năm 04/04/2019 - 15:35

Năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; năm thứ ba thực hiện giai đoạn II Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam và Chương trình mục tiêu dân số giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Chiến lược đã nhấn mạnh đến việc chuyển trọng tâm công tác dân số, từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, tập trung nâng cao chất lượng dân số. Để thực hiện nhiệm vụ này, một trong những giải pháp mà tỉnh đã và đang triển khai đó là Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.

Năm qua, Đề án tiếp tục được thực hiện tại 180/180 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Các địa phương đã tổ chức được 2.260 buổi truyền thông cho 41.644 đối tượng là bà mẹ mang thai, phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ chuẩn bị kết hôn, mới kết hôn. Kết quả: Đã có 18.716 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh (chiếm 71,8% bà mẹ mang thai), trong đó phát hiện 11 trường hợp dị tật thai nhi (1 trường hợp down, 4 dị tật khác và 6 trường hợp đang theo dõi). Các trường hợp nghi ngờ đều được giới thiệu lên tuyến trên để chẩn đoán xác định và có tư vấn, hướng xử lý kịp thời.

Về tầm soát sơ sinh, tỉnh của đã triển khai dịch vụ miễn phí và xã hội hóa cho các đối tượng không thuộc diện miễn phí có nhu cầu tại một số bệnh viện. Tầm soát được 3.470 trẻ (tự chi trả là 3.202 trẻ), trong đó có 152 trẻ nghi ngờ thiếu men G6PD và suy giáp bẩm sinh, đã được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tư vấn, hướng dẫn đưa trẻ đi khám lại tại Bệnh viện Nhi Trung ương và được làm xét nghiệm lần 2; kết quả có 123 trường hợp xác định thiếu men G6PD và 2 trường hợp suy giáp bẩm sinh.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh vẫn còn những khó khăn bởi khả năng tuyên truyền, tư vấn của cán bộ dân số ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng cần tư vấn. Đối với tầm soát sơ sinh, đối tượng trong diện miễn phí ít (chủ yếu là người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân sống tại các vùng có nguy cơ cao và chưa có thẻ bảo hiểm y tế…) nên kết quả thực hiện chưa cao.  

Theo các chuyên gia, phụ nữ trước và sau khi sinh cần tới các cơ sở y tế để được tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật của thai nhi. Đặc biệt, người mẹ khi mang thai nếu trước đó đã có các tiền căn: Có tiền sử sinh con dị tật – thai lưu - sẩy thai liên tiếp; gia đình có người thân bị dị tật bẩm sinh và bệnh lý di truyền; tiếp xúc với hóa chất độc hại, tia xạ, chất độc da cam; siêu âm hoặc xét nghiệm máu có phát hiện bất thường, thai phụ lớn tuổi (>35 tuổi) thì nên khám sàng lọc để bảo đảm sinh con khỏe mạnh.

Thực hiện tầm soát trước sinh và sơ sinh sẽ giúp thầy thuốc can thiệp sớm, hạn chế thấp nhất dị tật từ trong bụng mẹ và giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng dân số.

Quỳnh Mai
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: