Sử dụng căn cước công dân trong khám, chữa bệnh:
Giảm phiền hà, tăng độ chính xác

Cập nhật: Thứ bẩy 22/10/2022 - 11:55
 Khám, chữa bệnh bằng CCCD giúp cơ sở y tế xác định được bệnh sử của người bệnh. Trong ảnh: Tích hợp thông tin bệnh nhân trên phần mềm tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Khám, chữa bệnh bằng CCCD giúp cơ sở y tế xác định được bệnh sử của người bệnh. Trong ảnh: Tích hợp thông tin bệnh nhân trên phần mềm tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (trên 220 cơ sở) đã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) có gắn chip điện tử. Qua đó, giúp giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Theo đánh giá của Sở Y tế, các đơn vị đi đầu trong việc khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD phải kể đến Bệnh viện A Thái Nguyên, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên...

Chúng tôi được biết, để đạt được kết quả này có sự nỗ lực rất lớn của các ngành chức năng, nhất là lực lượng Công an, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Sở Y tế. Trước đó (trong tháng 9/2022), Sở Y tế đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu giải pháp, nhằm triển khai tối đa việc dùng CCCD thay thẻ BHYT trong quá trình khám, chữa bệnh.

Nhờ đó, việc đồng bộ thẻ BHYT và CCCD cho người dân được tỉnh Thái Nguyên thực hiện nhanh, gọn, hiệu quả. Đến thời điểm này, Thái Nguyên đã đồng bộ khoảng 600.000 thẻ BHYT với CCCD, đạt tỷ lệ trên 40% số CCCD đã cấp trên địa bàn.

Đáng nói, để công tác khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD được thuận lợi, đáp ứng yêu cầu đề ra, một số cơ sở khám chữa bệnh đã chủ động mua sắm thiết bị đọc QR-Code trên CCCD gắn chip điện tử, tích hợp việc nhập số CCCD trên hệ thống phần mềm thay cho việc nhập mã số thẻ BHYT hoặc sử dụng công cụ hỗ trợ miễn phí trong việc đọc QR-Code trên CCCD gắn chip điện tử.

Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, đánh giá: Sự chủ động của các cơ sở khám, chữa bệnh chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD trên địa bàn tỉnh được triển khai thuận lợi hơn.  

Nội soi tiêu hóa cho người bệnh tại Bệnh viện A Thái Nguyên. 

Thực tế cho thấy, việc triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Trong đó, rõ nét nhất là tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh. Đặc biệt, khi đi khám bệnh, nếu quên thẻ BHYT bằng giấy, người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip, bệnh nhân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ để thực hiện các thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho bệnh nhân. Theo đó, người dân cũng không phải mất thời gian hoàn tất các thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn…

Về những lợi ích này, bà Nguyễn Thúy Hạnh, xã Tân Thái (Đại Từ), chia sẻ: Đến khám bệnh tại Bệnh viện A Thái Nguyên, tôi không phải mang nhiều giấy tờ như trước (thẻ BHYT, chứng minh nhân dân…) mà chỉ cần mang theo CCCD. Nhờ đó, các thủ tục trước khi khám được thực hiện rất nhanh gọn.

Bên cạnh giảm bớt thủ tục hành chính, khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD còn giúp nâng cao hiệu lực quản lý trong lĩnh vực y tế. Việc tích hợp này giúp cơ sở y tế xác định được lịch sử bệnh của người đến khám, các lần đi khám trước đó sẽ lưu lại thông tin trên máy, như một hồ sơ bệnh án điện tử thu nhỏ.

Đối với nhân viên y tế, khi người dân sử dụng thẻ CCCD gắn chip để khám, chữa bệnh giúp xác định đúng đối tượng và toàn bộ thông tin của bệnh nhân, giúp khâu tiến hành tiếp nhận người bệnh được nhanh hơn...

Ông Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, cho hay: Từ khi triển khai khám bệnh BHYT bằng CCCD, chỉ cần mất vài giây, chúng tôi đã có thể tra ra tiền sử bệnh án của người bệnh. Nhờ đó, việc tư vấn khám, điều trị cho người bệnh không chỉ nhanh hơn mà còn đạt hiệu quả tối ưu.

Mặc dù mang lại nhiều tiện ích nhưng hiện nay, việc khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip vẫn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều thẻ CCCD gắn chip chưa tích hợp được thông tin BHYT nên không thực hiện được. Hơn thế, người dân chưa có thói quen đi khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD nên khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh chỉ mang thẻ BHYT và chứng minh nhân dân…

Trước thực tế này, ngành Y tế đã đề xuất Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh sớm hoàn thiện và đồng bộ dữ liệu BHYT với dữ liệu dân cư để thực hiện tiếp nhận khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD có gắn chip. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai tuyên truyền về sử dụng CCCD tham gia khám, chữa bệnh BHYT trong nhân dân…

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, mục tiêu trong năm 2022 là bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNEID), trong đó tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như thẻ BHYT.

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: