Hiệu quả từ một mô hình

Cập nhật: Thứ hai 23/09/2019 - 10:22
 Bác sĩ Nguyễn Kiều Giang, Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) chia sẻ về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) tại lớp tập huấn do Chi cục Dân số, KHHGĐ tổ chức ngày 30/8/2019.
Bác sĩ Nguyễn Kiều Giang, Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) chia sẻ về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) tại lớp tập huấn do Chi cục Dân số, KHHGĐ tổ chức ngày 30/8/2019.

Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là căn bệnh nguy hiểm nhưng chưa được nhiều người dân biết đến. Ở thể lặn, bệnh không có biểu hiện ra bên ngoài nên nhiều người cùng mang gen này mà không biết nên vẫn kết hôn với nhau khiến trẻ sinh ra mắc bệnh. Theo lý thuyết, nếu bố mẹ cùng mang gen, khi sinh con, tỷ lệ trẻ mang gen sẽ là 50%, trẻ mắc bệnh là 25%.

Hiện nay, chưa có phương pháp chữa trị hiệu quả, tuy nhiên, cách đề phòng, ngăn ngừa bệnh này lại hết sức đơn giản nếu công tác xét nghiệm máu, sàng lọc trước sinh được thực hiện triệt để. Anh Đinh Ngọc Văn, Trưởng phòng Dân số (Chi cục Dân số, KHHGĐ) cho hay: Với phương pháp sàng lọc phôi thai, cha mẹ cùng mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) hoàn toàn có cơ hội sinh con khỏe mạnh. 

Theo thông tin riêng chúng tôi nắm được, tại Thái Nguyên, tỷ lệ người mắc bệnh chiếm trên 1%. Để giúp người dân hiểu rõ về bệnh, có cách ngăn ngừa, đề phòng căn bệnh nguy hiểm này; tiến tới người dân trước khi kết hôn có ý thức tự nguyện xét nghiệm nếu bản thân mang gen ẩn, tự biết cách phòng tránh bệnh cho thế hệ sau, từ năm 2013, Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh Thái Nguyên đã triển khai mô hình Can thiệp giảm tỷ lệ bệnh tan máu bẩm sinh trong cộng đồng. Ban đầu, mô hình được thực hiện tại 6 xã là Kim Sơn, Định Biên (Định Hóa); La Hiên, Dân Tiến (Võ Nhai); Hợp Tiến, Quang Sơn (Đồng Hỷ). Đây là những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hiểu biết về bệnh còn rất hạn chế nên trong trường hợp mang gen bệnh, nhiều người vẫn chưa biết cách phòng, tránh cho thế hệ sau. 

Với nhiều hoạt động phong phú, như: Triển khai kế hoạch đến các xã được chọn thực hiện mô hình; phối hợp với một số bệnh viện lấy máu xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán người mang gen bệnh Thalassemia; cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia nguyên nhân, hậu quả, cách phòng, tránh và chăm sóc SKSS/KHHGĐ; cung cấp tài liệu cho mạng lưới truyền thông…, mô hình đã đáp ứng được nhu cầu tư vấn về phòng bệnh Thalassemia và chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho đối tượng là vị thành niên, thanh niên...

Đặc biệt, tại những xã triển khai mô hình đã thành lập được các câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân, xây dựng quy chế hoạt động, nội dung hoạt động, sinh hoạt CLB định kỳ. Đến nay, tại các xã thực hiện mô hình đã thành lập được 76 CLB với hơn 3.100 tham gia. Cùng với đó là thực hiện truyền thông cho nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên và những người quan tâm đến bệnh Thalassemia; đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã nhằm chuyển đổi hành vi cho đối tượng, tự biết cách phòng bệnh Thalassemia và chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho bản thân. Trong đó, đối tượng được tập trung tuyên truyền về bệnh chủ yếu là nam - nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên chuẩn bị kết hôn để họ có những hiểu biết nhất định về bệnh và cách phòng, tránh.

Từ các hoạt động của mô hình, nhận thức của người dân về căn bệnh này đã được nâng lên. Nhiều người nằm trong diện nguy cơ mang gen, nhất là những phụ nữ mang thai đã chủ động đi làm xét nghiệm tại bệnh viện để phòng ngừa bệnh cho thế hệ tương lai. Ngoài ra, rất nhiều người có người thân mang gen bệnh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn để tìm hiểu về bệnh tan máu bẩm sinh. Anh Đinh Ngọc Văn cho biết thêm: Đơn cử như một trường hợp ở xã Tân Long (Đồng Hỷ), do biết trong dòng họ của mình có người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh nên đã chủ động tham gia các lớp tập huấn mô hình can thiệp giảm tỷ lệ mắc bệnh tan máu bẩm sinh... Thông qua các nội dung được triển khai tại lớp tập huấn, như: Cơ chế di truyền; phương pháp sàng lọc phát hiện người mang gen bệnh; chăm sóc và điều trị tại nhà đối với bệnh nhân Thalassemia; những nội dung cần quan tâm trong công tác tư vấn về bệnh tan máu bẩm sinh, chị đã hiểu về bệnh và đề nghị Chi cục tổ chức lớp tập huấn tại xã để cho mọi người trong xã cùng được tham gia.

Theo chị Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh, đạt được kết quả trên là do Chi cục đã làm tốt công tác tuyên truyền để những người làm công tác chuyên môn có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của mô hình, từ đó nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thêm vào đó, Chi cục đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền về cách phòng, tránh bệnh ở các hội nghị triển khai về công tác DSKHHGĐ tổ chức tại những xã thực hiện mô hình, góp phần giảm chi phí tổ chức các lớp tập huấn mà hiệu quả tuyên truyền vẫn được như mong muốn. Trung bình mỗi năm, Chi cục tổ chức được hàng chục hội nghị với khoảng 500 người tham dự.

Từ những kết quả đạt được, đến năm 2018, mô hình mở rộng đến 17 xã của huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ. Sang năm 2019, mô hình tiếp tục mở rộng đến 37 xã của các huyện trên. 

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: