Khó kiểm soát chất lượng thực phẩm tại chợ đầu mối Túc Duyên
Tình trạng quầy hàng bày bán tràn ra lối đi vào chợ, bày ra nền đất gây mất vệ sinh khá phổ biến tại chợ đầu mối Túc Duyên |
Do còn gặp nhiều vướng mắc trong triển khai đầu tư xây dựng chợ đầu mối Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) nên hoạt động kiểm soát chất lượng thực phẩm gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Các mặt hàng nông sản bày bán lẫn với mặt hàng vật tư nông nghiệp, quần áo, giầy dép; tràn ra cả lề đường, vừa mất mỹ quan, vừa lấm bùn đất…
Là chợ nông sản đầu mối trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chợ Túc Duyên là trung tâm giao dịch các mặt hàng chính là nông sản từ các vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Kạn, Cao Bằng và Thái Nguyên…Với hơn 700 điểm kinh doanh cố định, 400 hộ đăng ký kinh doanh hàng ngày và trên 60 nhà thầu làm dịch vụ vận tải hàng nông sản từ các nơi đến giao dịch rồi phân phối về các chợ khác trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Trong đợt giám sát của các cơ quan liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 cho thấy còn nhiều bất cập và khó khăn trong kiểm soát an toàn chất lượng hàng hóa tại đây.
Chợ với quy mô rộng trên 1ha, nhưng trong quá trình xây dựng không đồng bộ nên lầy lội bùn nước. Tiểu thương tùy tiện chọn vị trí thuận lợi để bày bán hàng. Một số người bày bán luôn cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp, quần áo, giầy dép, nông cụ…Tất cả đều chỉ dựng lều bạt tạm bợ. Mỗi khi xe chở hàng đi qua, bùn tràn lên bắn hết vào các thùng hoa quả. Hoạt động giao dịch, mua bán cũng tùy tiện, xe máy, xe đạp xen lẫn ô tô của người bán, người mua lộn xộn.
Theo ông Nguyễn VănTùng, đại diện cho Công ty cổ phần Triệu Đại Dương, phụ trách hoạt động của chợ đầu mối Túc Duyên cho biết: Trong số hơn 400 hộ tiểu thương đăng ký kinh doanh tại chợ có hơn 100 hộ gần như không chấp hành các quy định đóng phí chợ, tự do bày bán hàng. Điều này đã gây ảnh hưởng đến việc bảo đảm trật tự và kiểm soát chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật. Việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch của doanh nghiệp đến nay vẫn gặp nhiều vướng mắc, nên các hạng mục, phân khu, bến bãi, kho chứa, trung tâm kỹ thuật bảo quản tiếp nạp gas, điện, cấp đông, oxi, nước rửa…chưa thể thực hiện được. Bản chất là chợ đầu mối, doanh nghiệp đầu tư tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khác với siêu thị, nên các thành phần, đối tượng kinh doanh tại đây đều phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đối với Ban quản lý chợ chủ yếu làm công tác tuyên truyền pháp luật về kinh doanh, quy định ATTP… chứ không có chức năng kiểm tra. Nếu có kiểm tra cũng không thể xử lý được, cũng không thể cấm chợ với những đối tượng vi phạm. Những điều này đã dẫn đến nhiều khó khăn trong khâu kiểm soát chất lượng thực phẩm.
Được biết, hiện đối với các mặt hàng của các nhà thầu, điểm kinh doanh cố định thì Ban Quản lý chợ có thể kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc hàng hóa cũng như các quy định pháp luật về ATTP, còn lại các đối tượng là tiểu thương thì Ban Quản lý chợ gần như không thể kiểm soát.
Hàng chục tấn hàng nông sản giao dịch hàng ngày tại chợ Túc Duyên bắt đầu từ 2-3 giờ sáng với sự lẫn lộn của hàng trăm đối tượng kinh doanh tự do thì sẽ rất khó kiểm soát chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, dễ xảy ra tình trạng lẫn lộn hàng hóa và lây nhiễm chéo thành phần mất an toàn thực phẩm từ các sản phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc. Nguy hại hơn là nông sản từ đây sẽ được giao đến các chợ nhỏ lẻ, các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh mà không được kiểm soát chặt chẽ.