Không nên lo lắng khi tiêm vắc xin 5 trong 1 mới cho trẻ

Cập nhật: Thứ sáu 20/09/2019 - 09:38
 Khám, tư vấn trước khi tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em tại TTYTDP.
Khám, tư vấn trước khi tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em tại TTYTDP.

Từ cuối năm 2018, vắc xin 5 trong 1 ComBe Five (phòng được 5 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib) đã được Bộ Y tế đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng thay thế cho vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. Tuy nhiên, tại Nam Định đã có 2 trường hợp tử vong sau khi tiêm loại vắc xin mới này. Dù Bộ Y tế đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân và kết luận 2 cháu nhỏ tử vong không phải do tiêm vắc xin nhưng vẫn khiến nhiều phụ huynh ở Thái Nguyên lo lắng.

Điều đáng nói là, song hành với việc đưa vắc xin ComBe Five vào sử dụng rộng rãi, Bộ Y tế đã quyết định đưa Vắcxin 5 trong 1 DPT-VGB-hib (SII) có tác dụng phòng bệnh tương tự ComBe Five vào chương trình tiêm chủng mở rộng càng khiến cho nhiều phụ huynh trên địa bàn tỉnh băn khoăn. Chị Nguyễn Thị hoa (T.P Thái Nguyên) cho hay: Con trai tôi đã được gần 6 tháng tuổi. Mỗi lần đưa cháu đi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1, tôi rất lo lắng vì qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết nước ta mới đưa loại vắc xin 5 trong 1 mới thay thế cho loại cũ. Tuy hiệu quả phòng bệnh giống nhau nhưng phản ứng sau khi tiêm của con trẻ mới là điều chúng tôi quan tâm. sau 2 mũi tiêm, con trai tôi chỉ quấy khóc một chút, nhưng còn mũi tiêm cuối cùng này, tôi đang rất lo lắng cho cháu.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây, vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Đây là loại vắc xin do Công ty Berna Biotech (Hàn Quốc) sản xuất, bao gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, ho gà toàn tế bào, kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B và kháng nguyên vỏ vi khuẩn hib (gây viêm màng não mủ/viêm phổi). Là loại vắc xin phổ biến nhất, được Tổ chức Y tế Thế giới (WhO) khuyến cáo sử dụng từ năm 2006, nhưng từ tháng 12/2017 trở đi, Hàn Quốc ngừng sản xuất và cung ứng vắc xin này tại Việt Nam. Do đó, để đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin phục vụ cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã đưa vắc xin 5 trong 1 ComBe Five vào thay thế. Vắc xin này do Công ty Biological E (Ấn Độ) sản xuất, là vắc xin mới, cũng có thành phần tương tự vắc xin Quinvaxem. Đã có hơn 400 triệu liều vắc xin ComBe Five được sử dụng tại 43 quốc gia trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, vắc xin ComBe Five được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ tháng 5/2017 thay thế cho vắc xin Quinvaxem.

Đặc biệt, để tránh sự độc quyền của nhà cung ứng và sản xuất vắc xin, thời gian qua, Bộ Y tế đưa thêm vắc xin 5 trong 1 DPT-VGB-hib (sII) vào thử nghiệm tại 5 tỉnh, trong đó có Thái Nguyên. Theo lộ trình, từ tháng 9/2019, loại vắc xin này sẽ được sử dụng rộng rãi trong cả nước. Vắc xin DPT-VGB-hib (sII) do Công ty serum Institute of India (ấn Độ) sản xuất, được cấp phép lưu hành ở ấn Độ năm 2009. Vắc xin đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WhO từ năm 2010. Tính tới nay, hơn 600 triệu liều vắc xin DPT-VGB-hib (sII) đã được sử dụng ở trên 79 quốc gia. 

Theo nhận định của một số cán bộ y tế trực tiếp làm công tác tiêm phòng cho trẻ theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng thì 2 loại vắc xin 5 trong 1 mới (ComBe Five và SII) được đưa vào sử dụng rộng rãi tại Thái Nguyên từ cuối năm 2018 đến nay không gây ra tình trạng sốc, biến chứng cho trẻ. Theo đó, số ca phản ứng sau tiêm không nhiều hơn vắc xin Quinvaxem 5 trong 1.

Bác sĩ hoàng Anh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho rằng: Các bậc phụ huynh chưa hiểu đúng về 2 loại vắc xin 5 trong 1 mới đưa vào sử dụng rộng rãi nên có phần lo lắng. Tuy nhiên, trên thực tế, với vắc xin 5 trong 1 có thành phần ho gà toàn tế bào, tỉ lệ trẻ sốt trên 38 độ C lên tới 50% và đây là một phản ứng tốt sau tiêm vắc xin.

Do đó, để người dân yên tâm, ngành Y tế của tỉnh đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm tăng cường công tác truyền thông, giúp người dân hiểu rõ hơn về hai loại vắc xin mới này. Đồng thời, thực hiện an toàn tiêm chủng bằng cách khám sàng lọc, chỉ định đúng, tư vấn đầy đủ hiệu quả của các loại vắc xin cho người dân; thông tin với họ những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm phòng cho trẻ. Cùng với đó, ngành Y tế Thái Nguyên tiếp tục đảm bảo an toàn chất lượng vắc xin thông qua việc tiếp nhận, bảo quan, phân phối đến vận chuyển vắc xin.

Cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng thì mỗi người dân nên tìm hiểu ở các nguồn thông tin đáng tin cậy để trang bị cho những kiến thức đúng đắn về tiêm phòng các loại vắc xin cho trẻ nói chung, vắc xin 5 trong 1 nói riêng.

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: