Thực hiện mục tiêu “hai tăng-một giảm”
Chi cục ATVSTP tổ chức giám sát và lấy mẫu thức ăn tại bếp ăn tập thể trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Mục tiêu và nhiệm vụ về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được ngành Y tế - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đề ra từ nay đến hết năm đó là tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân về ATTVSTP, công tác thanh tra, kiểm tra ở tất cả các cấp và giảm thiểu nguy cơ bị ngộ độc.
Theo đánh giá của ngành Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra và hoạt động quản lý của liên ngành từ tỉnh đến huyện, thành phố, thị xã đã chủ động ngăn ngừa kiểm tra, giám sát ngay từ ban đầu các khâu sản xuất, chế biến và lưu thông. Chính vì vậy, thực phẩm không bảo đảm an toàn đã không “kịp” đến với người tiêu dùng, nhất là tại các điểm bán hàng, nhà hàng và các bếp ăn tập thể.
Theo ông Đỗ Văn Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Thái Nguyên - đại diện cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành của tỉnh về ATVSTP: Hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đã tập trung chuyên môn vào chiều sâu, lấy ngăn chặn, phòng ngừa là chính, nên đã có tác động tốt đến kết quả kiểm soát và quản lý về ATVSTP trên địa bàn toàn tỉnh thời gian vừa qua. Chính vì vậy trong 6 tháng đầu năm không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. So với cùng kỳ của các năm từ 2016 đến nay, đây là kết quả rất đáng ghi nhận (cùng kỳ năm 2016 xảy ra 3 vụ với số người bị ngộ độc thực phẩm là 7, cùng kỳ năm 2017 xảy ra 2 vụ, số người bị ngộ độc là 15, cùng kỳ năm 2018 xảy ra 1 vụ, số người bị ngộ độc thực phẩm 3). Mặc dù tính chất và số lượng người bị ngộ độc thực phẩm có khác nhau, nhưng rõ ràng các cơ quan chức năng đã bước đầu ngăn chặn, đẩy lùi được thực phẩm nguy cơ ngộ độc, thực phẩm mất an toàn không đến được với bữa ăn. Kết quả này không thuần túy là lực lượng chức năng tổ chức kiểm soát tích cực mà còn thể hiện nhận thức về kiểm soát ATVSTP của nhân dân, trong cộng đồng xã hội đã được nâng lên. Điều đó phản ảnh về hoạt động tuyên truyền thay đổi nhận thức và năng cao kiến thức phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đã có chuyển biến về chất lượng. Từ thực tế này vấn đề tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về kiểm soát ATVSTP là rất cần thiết và cần sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tại cơ sở, khu dân cư.
Xác định hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức về ATVSTP trong cộng động dân cư là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Chi cục ATVSTP đã có những điều chỉnh về nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với thực tế. Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh phân tích: “Trước đây chúng ta vẫn áp dụng kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe và kiến thức ATVSTP là: “Ăn chín, uống sôi”, nhưng những kiến thức phổ thông này khi đã phổ cập thì chúng tôi có bổ sung, điều chỉnh là: “Ăn gì - ăn thực phẩm gì, Ở đâu - truy xuất nguồn gốc, Làm thế nào - chế biến đúng cách?”. Với cách làm này, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện được hàng trăm hoạt động tuyên truyền theo từng chủ đề và chuyên đề. Trong đó phân cấp theo từng tuyến từ tỉnh đến huyện, rồi đến xã và các cụm dân cư. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thực hiện được trên 300 sản phẩm báo chí truyền thông về chuyên đề ATVSTP đăng tải trên các phương tiện báo chí từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức truyền thông cơ động tập huấn kiến thức cho trên 20 nghìn lượt người dân; phát hành trên 500 phiếu điều tra về nhận thức ATVSTP, gần 1.000 băng zôn truyền thông và trên 35.000 tờ rơi… Đây chính là cách tiếp cận nhanh nhất đến trực tiếp với người dân góp phần làm thay đổi hành vi đối với việc bảo vệ sức khỏe và bảo đảm ATVSTP cho gia đình, cộng đồng. So với cùng kỳ 6 tháng đầu năm của các năm 2017, 2018, hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về ATVSTP đã được ngành Y tế, Ban chỉ đạo ATTP Trung ương tăng cường trên địa bàn toàn tỉnh từ 15-25% cả về nguồn lực tài chính, số lượng, hình thức tuyên truyền.
Trong công tác kiểm tra, giám sát, Ban chỉ đạo tỉnh đã ban hành kế hoạch ngay từ đầu năm theo hướng tăng số lượng và tăng hình thức, mức độ xử lý vi phạm, bảo đảm răn đe và ngăn ngừa kịp thời hành vi vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tiến hành tổ chức 243 đoàn, trong đó 231 đoàn thanh, kiểm tra và giám sát chủ yếu tại cơ sở, tăng gần 20 đoàn so với cùng kỳ năm 2018. Qua thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử lý 152 cơ sở vi phạm, giảm 30 cơ sở so với cùng kỳ năm 2018 và phạt hành chính gần 300 triệu đồng, tăng gần 100 triệu đồng so với năm 2018. Với kết quả này, có thể thấy mục tiêu “Hai tăng-một giảm” của Ban chỉ đạo tỉnh đã thực sự có tác động tốt đến việc chấp hành quy định pháp luật về ATVSTP, cũng như thay đổi hành vi, nhận thức trong xã hội về ATVSTP.