Vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Nhân viên cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mỳ Thủy Vinh, ở xóm 9, xã Cổ Lũng (Phú Lương) đã có y thức đeo găng tay khi làm và nướng bánh. |
Huyện Phú Lương hiện có trên 900 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Nhìn chung, các cơ sở đều chấp hành khá tốt các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tuy nhiên, ở một số cơ sở, nhất là cơ sở nhỏ vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất VSATTP...
Có mặt tại cửa hàng ăn uống Đồng Quê, ở xóm Giá 2, xã Phấn Mễ, chúng tôi nhận thấy không gian rộng rãi, thoải mái và sạch sẽ. Cửa hàng được xây dựng từ đầu năm 2017, có thể phục vụ nhu cầu ăn uống cho khoảng150 thực khách mỗi ngày. Cửa hàng có khu vực sơ chế, bếp, phòng ăn tách biệt. Theo quan sát, bếp ăn có diện tích khoảng 35m2 tủ đựng thực phẩm chín, thực phẩm tươi sống riêng biệt. Việc chế biến thức ăn được nhân viên thực hiện theo đúng các quy định, yêu cầu về VSATTP. Ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ cửa hàng Đồng Quê cho biết: Đảm bảo VSATTP là vấn đề được chúng tôi quan tâm. Cửa hàng luôn thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định pháp luật về VSATTP, thực hiện khám sức khỏe định kỳ đối với nhân viên chế biến thức ăn.
Rời cửa hàng ăn uống Đồng Quê, đến một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống khác trên địa bàn huyện, chúng tôi nhận thấy cơ sở vật chất tại những nơi này đã được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Vấn đề đảm bảo VSATTP cũng được chủ các cơ sở chú trọng. Anh Vũ Văn Thủy, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mỳ Thủy Vinh, ở xóm 9, xã Cổ Lũng cho biết: Tôi mở cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mỳ này từ năm 2009. Hiện nay, cơ sở của chúng tôi sản xuất và bán ra thị trường khoảng 2.000 chiếc bánh mỳ các loại/ngày; 300 chiếc bánh chưng/ngày. Một trong những vấn đề chúng tôi đặc biệt chú trọng đó là VSATTP. Nguyên liệu đầu vào được chúng tôi nhập từ một cơ sở uy tín, có địa chỉ rõ ràng, là Công ty Thái An Dương. Khu chế biến và khu bày bán sản phẩm cũng được chúng tôi bố trí riêng. Nhân viên trực tiếp sản xuất bánh cũng được trang bị trang phục bảo hộ, được tập huấn kiến thức về VSATTP, được khám sức khỏe định kỳ...
Còn bà Dương Thị Hợp, chủ cửa hàng ăn uống Hằng Hợp, ở xóm Đường Goòng, xã Cổ Lũng bảo: Phương châm của chúng tôi trong kinh doanh dịch vụ ăn uống là phải tạo được không gian rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát và đảm bảo VSATTP trong chế biến thức ăn. Chính vì vậy, chúng tôi đã đầu tư xây dựng cửa hàng có chỗ để xe, khu vực ăn uống rộng 600m2. Khu bếp nấu cách biệt với phòng ăn, có tủ đựng thức ăn sống, chín riêng biệt. Nguyên liệu để chế biến các món ăn được chúng tôi lựa chọn và ký kết với các cơ sở cung ứng thực phẩm có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về VSATTP. Đặc biệt, nguyên liệu ngày nào được chế biến và sử dụng hết luôn ngày đó.
Bà Bùi Thị Bẩy, Trưởng khoa VSATTP (Trung tâm Y tế huyện Phú Lương) cho biết: Trong những năm qua, công tác đảm bảo VSATTP luôn được các cấp, ngành trong huyện quan tâm, duy trì thường xuyên. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo đảm bảo chất lượng VSATTP cấp huyện, xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn cũng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, đã kịp thời ngăn chặn, nhắc nhở, xử lý những hành vi vi phạm. Về cơ bản, đa số người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo VSATTP và những tác hại của thực phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh đối với sức khỏe con người. Một số người dân đã có sự lựa chọn theo hướng tích cực khi mua, bán và tiêu dùng thực phẩm. Cũng qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy các cơ sở đã chấp hành tương đối tốt các điều kiện VSATTP, nhất là ở các cơ sở tuyến huyện, tỉnh quản lý. Người lao động trong các cơ sở hầu hết đều được tập huấn kiến thức về VSATTP, được khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa chấp hành nghiêm các quy định về VSATTP như: thực hiện kiểm thực ba bước, nhân viên nhà bếp các nhà hàng, quán ăn thường hay bỏ qua các quy định về trang phục, trang bị khi chế biến thức ăn.