Gìn giữ “ngọc đen”
Do hợp thổ nhưỡng nên quả trám đen trồng ở xã Hà Châu (Phú Bình) có vị bùi, thơm, chắc thịt hơn hẳn so với trám được trồng ở các địa phương khác và được rất nhiều người yêu thích. Bởi vậy mà người dân xã Hà Châu gọi là đặc sản “ngọc đen”. Đến kỳ thu hoạch, các tư thương về tận nhà người dân thu mua, thậm chí còn đặt cọc mua trước cả cây khi mới ra hoa, đơm quả. Những năm gần đây, người dân địa phương đã có nhiều cách chế biến, bảo quản nhằm đưa “ngọc đen” đến nhiều vùng ở trong và ngoài tỉnh.
Hiện toàn xã Hà Châu có khoảng 700 cây trám đen được trồng nhiều tại các xóm ven sông Cầu như: Đông, Mới, Táo, Núi, Trầm Hương… (Trong ảnh: Cây trám cổ thụ trên 100 năm tuổi ở xóm Trầm Hương).
Cây trám ra hoa vào tháng 2, 3 và chín ngả màu đen từ giữa tháng 7 đến tháng 9 dương lịch. Khi thu hoạch, người dân phải bắc thang, dùng sào đập khéo léo chỉ để quả rụng xuống và không thu hái vào ngày mưa.
Quả trám hình thoi, cùi trám màu vàng, bên trong hạt trám nhân trắng ngần. Theo người dân nơi đây, trám loại ngon phải có “mắt” to tròn, vỏ ngoài đen bóng, mọng. Hiện giá trám tươi được bán tại vườn từ 80-120 nghìn đồng/kg tùy loại.
Để giữ gìn, nâng cao giá trị kinh tế, đưa đặc sản “ngọc đen” đến nhiều vùng miền trong và ngoài tỉnh, người dân địa phương đã có nhiều cách bảo quản và chế biến đa dạng các món ăn như: Nham trám, trám muối; trám om 1 nắng hút chân không, xôi trám…
Trám được đóng gói hút chân không để bảo quản và thuận tiện cho việc vận chuyển.
Một số hộ dân trong xã đã mở nhà hàng, dịch vụ bán hàng qua mạng, nhận “ship” đến nhiều vùng trong và ngoài tỉnh. …(Trong ảnh: Chị Tạ Thị Thủy, ở xóm Táo chế biến món nham trám để phục vụ nhu cầu đặt hàng của thực khách).