Thịnh - suy vẫn bám nghề truyền thống

Cập nhật: Thứ sáu 05/08/2022 - 15:19

Xuất hiện ở xóm Làng Bầng (xã Đồng Thịnh, Định Hóa) từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nghề dệt mành cọ đã giúp nhiều hộ dân ở đây có thêm bữa cơm đủ no, tấm chăn đủ ấm. Hơn 4 thập kỷ đã trôi qua, vì nhiều lý do nên các đồi cọ ngày càng thưa vắng, nguồn nguyên liệu làm mành cọ vì thế cũng dần trở nên khan hiếm. Cùng với đó, hầu hết người trẻ trong xóm đã đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp với mức thu nhập hấp dẫn hơn. Nhưng hiện nay trong xóm vẫn còn những người quyết giữ nghề truyền thống, họ coi đó như cách trả nghĩa với cây cọ xanh.

Bên khung dệt.

Nan cọ phơi dọc 2 bên đường đã trở thành hình ảnh thân thuộc ở Làng Bầng. Ở Làng Bầng hiện nay chỉ còn chưa đến chục hộ duy trì thường xuyên việc làm mành cọ. 15 – 20 hộ khác làm gián đoạn do nguồn nguyên liệu khan hiếm.

Chị Ma Thị Ngân sử dụng máy vót nan để giảm công lao động.

Nặng lòng với nghề truyền thống nên dù chỉ có một mình lo toan việc đồng áng, chị Ma Thị Ngân vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm mành cọ, vừa giữ nghề, vừa có thêm thu nhập.

Dù có máy vót nan cọ nhưng nhiều người vẫn chọn vót bằng tay để nan được đều và đẹp nhất.

Nan cọ mua ngày càng khó. Năm 2021, gia đình ông La Văn Mai sản xuất được 2.000 chiếc mành, nhưng lượng nan mua dự trữ năm nay ước tính chỉ được tối đa 1.000 chiếc mành. Tuy vậy, ông Mai vẫn kiên trì bám trụ và tìm cách chủ động một phần nguyên liệu làm mành.

Gia đình anh Triệu Văn Dương là một trong vài hộ còn duy trì được 2 khung dệt.

Người dân làng nghề đã cải tiến khung dệt, chỉ cần 1 người cũng có thể sử dụng khung dệt thay vì phải 2 người như trước.

Sản phẩm mành cọ Làng Bầng được thị trường ưa chuộng, làm ra không đủ bán, giá bán hiện nay khoảng 40 nghìn đồng/chiếc.

Mạnh Hùng