Úc Kỳ có nghề làm tương nếp

Cập nhật: Thứ ba 19/10/2021 - 10:34

Nghề làm tương nếp ở xã Úc Kỳ (Phú Bình) - không ai rõ có từ khi nào nhưng lâu nay đã thành nghề truyền thống, nghề chính của nhiều hộ dân trong xã. Cuối năm 2015, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận “Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ”. Đặc biệt, ngày 12-10 vừa qua, UBND huyện Phú Bình đã chính thức công bố nhãn hiệu tập thể “Tương Úc Kỳ đậm đà vị quê hương” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận. Hiện, Làng nghề này có khoảng 240 hộ dân chuyên sản xuất, kinh doanh tương nếp, sinh sống tập trung ở các xóm: Ngoài 1, Ngoài 2, Múc, Trại, Làng, Tân Sơn và Tân Lập. Trung bình mỗi năm, Làng nghề cung cấp ra thị trường trên 1 triệu lít tương, thu lãi xấp xỉ 2 tỷ đồng.

Tương nếp thường được làm từ 3 nguyên liệu chính là gạo nếp, đỗ tương và muối trắng. Nếp Thầu Dầu, loại gạo đặc sản nổi tiếng là một trong 3 yếu tố làm nên hương vị của tương Úc Kỳ.
Gạo nếp Thầu Dầu sau khi ngâm, vo sạch thì được đem đồ thành cơm, xôi nếp.  Do vậy, gia đình bà Dương Thị Loan ở xóm Ngoài 2 đầu tư nồi nấu cơm điện, xôi điện để tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả sản xuất.

Cơm, xôi nếp được nấu chín đều, không khô, sau đó được trải ra nia sạch phơi và đảo đều hàng ngày cho đến khi cơm lên mốc có màu vàng hoa cau (thời gian lấy mốc khoảng 4-5 ngày).  
  Đỗ tương được chọn là loại ngon, hạt to tròn đều, sau khi rửa sạch thì đem rang hoặc sấy khô, sau đó nghiền xay vỡ. (Trong ảnh: Gia đình chị Phùng Thị Thủy, xóm Ngoài 2 đầu tư trên 60 triệu đồng mua máy sấy, máy nghiền điện).


  Đỗ tương đã nghiền, xay vỡ được cho vào chum ngâm với nước muối từ 12 đến 15 ngày, đến khi nếm có vị ngọt thì được loại “nước chè”. Loại “nước chè” này sẽ tưới vào thùng đựng hỗn hợp “mốc + muối” và ngâm qua 1 ngày, sau đó cho tất cả hỗn hợp vào chum trộn đều rồi đậy kín.
  Nghề làm tương nếp đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và thay đổi diện mạo vùng quê xã Úc Kỳ trong những năm gần đây. 

Ánh Ngọc