[Trực tuyến]: Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II

Cập nhật: Thứ năm 06/10/2022 - 19:41

Tối 6-10, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Thái Nguyên), Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II chính thức khai mạc với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.

Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1; cùng đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương; đoàn đại biểu các tỉnh tham dự Ngày hội.

Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội…

Lễ Khai mạc có sự tham gia của trên 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng người dân tộc Dao đến từ 14 tỉnh tham gia Ngày hội, gồm: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa và Yên Bái.

*

*         *

21 giờ 55 phút: Chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao lần thứ II tại tỉnh Thái Nguyên kết thúc tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc về một Thái Nguyên tươi đẹp, mang khát vọng vươn xa, đang nỗ lực từng ngày để xứng danh là trung tâm của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Chương trình đồng thời cũng là điểm nhấn ấn tượng và lưu luyến cho du khách mỗi khi tới vùng trung du gió núi mây ngàn.

Từ 21 giờ 36 phút: Chương 3 “Khúc tự tình xứ núi” bắt đầu với cảnh Lễ Tơ hồng, phục dựng nghi lễ kết duyên, kết số và báo cáo với thần linh trong đám cưới của người Dao. Theo thời gian và sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều phong tục cưới hỏi của người Dao bị mai một. Nhưng Lễ Tơ hồng vẫn còn tồn tại và trở thành một nghi thức đẹp, không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi của đồng bào dân tộc Dao.

Đồng bào Dao có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú với nhiều phong tục, nghi lễ, nghệ thuật đặc sắc được dàn dựng công phu qua các cảnh Mặt trời gác núi, Tạ ơn trời đất, Người Dao vui Tết nhảy, Người Dao ơn Đảng.

Kế thừa và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Dao nói riêng, bằng những nỗ lực bảo tồn, lưu giữ bản sắc truyền thống, đồng bào dân tộc Dao đã góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc…

Từ 21 giờ 10 phút: Với chủ đề “Những cung bậc núi rừng”, chương 2 của Chương trình nghệ thuật bắt đầu, gồm 5 cảnh: Tình ca lều nương, Nghề làm giấy bản, Sắc màu thổ cẩm rực rỡ, Nghề Y bảo truyền, Nghi lễ Mình Tải - Lễ Cấp sắc.

Trong hoạt cảnh Tình ca lều nương, về nguồn gốc của dân tộc mình, có vùng người Dao cho rằng dân tộc mình sinh từ một quả bí bỏ, rồi mới sinh ra 12 dòng họ và phân chia nhau sống ở khắp nơi. Đặc biệt, nét độc đáo trong quan niệm về trời đất của người Dao là sự xuất hiện của con người giúp cải tạo tự nhiên. Ngay từ buổi đầu sơ khai, người Dao đã góp sức giúp các bậc tạo hóa hoàn thiện thế giới…

Nổi bật trong số các màn biểu diễn của Chương 2 là Lễ Cấp Sắc - một nghi lễ dân gian nổi bật của người Dao, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời người đàn ông. Được Cấp sắc nghĩa là họ đã trưởng thành, đã có thể làm thầy, làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình và được dòng họ, xóm làng tôn trọng. Đây là nghi lễ lớn cả về vật chất, tinh thần - tâm linh, nên được người Dao thực hiện trang trọng, kính cẩn.

Tiếp nối chương trình Lễ khai mạc, từ 20 giờ 55 phút: Chương trình nghệ thuật “Giấc mơ Mặt trời” bắt đầu.

“Giấc mơ Mặt trời” nêu đậm lịch sử kiến tạo từ xa xưa của địa bàn vùng núi cao nơi có đồng bào dân tộc Dao cư trú; ôn lại truyền thống anh hùng của Nhân dân các dân tộc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, xây dựng đất nước, trong đó có đồng bào dân tộc Dao.

Chương trình được dàn dựng kết cấu xuyên suốt theo mạch thời gian được đan xen giữa nội dung nghệ thuật và các sự kiện của buổi Lễ; gắn kết, hòa trộn các hình thức diễn xướng tổng hợp gồm các loại hình nghệ thuật như: ca, múa, nhạc, diễn xướng dân gian, hoạt cảnh, diễn kịch hình thể, hiệu ứng cổ động… trên tuyến sân khấu đa tầng, đa chiều, thể hiện đan xen, gắn kết chặt chẽ cùng lời bình và video clip màn hình led phụ họa…; nêu bật tinh thần hứng khởi, niềm tin tưởng của Nhân dân với sự nghiệp đổi mới đi lên của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên với đồng bào các dân tộc trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

Mở đầu Chương trình nghệ thuật là Chương 1 “Gọi non ngàn thức giấc” kéo dài 15 phút.

3 cảnh: Rừng thức, Đón mặt trời lên và Lễ cúng thần rừng khắc họa sinh động thế giới quan và nhân sinh quan của đồng bào dân tộc Dao về vũ trụ, đạo đức, lối sống và những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Dao.

20 giờ 50 phút, các đồng chí: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng; Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy tặng Cờ lưu niệm và hoa cho đại diện các đoàn tham gia Ngày hội.

Từ 20 giờ 38 phút: Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, phát biểu chào mừng Ngày hội.

Trong bài phát biểu chào mừng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệt liệt chào đón các vị đại biểu cùng các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của 14 tỉnh tham gia Ngày hội.

 
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc, nhằm tăng cường khối đoàn kết dân tộc; tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trên cả nước nói chung và dân tộc Dao tỉnh Thái Nguyên nói riêng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đồng bào các dân tộc trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên mong muốn các đoàn về tham dự Ngày hội cùng giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Dao tốt đẹp nhất, tinh tế nhất; kết hợp giới thiệu văn hóa truyền thống với quảng bá tiềm năng của địa phương. Qua đó góp phần củng cố và nâng cao tính thống nhất trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, phát triển và hội nhập với văn hóa chung của nhân loại, như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”

20 giờ 30 phút: Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu.

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định quan điểm: Văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Dao nói riêng là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

 
Đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị: Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Văn hóa cần tham mưu cho Đảng, Trung ương tiếp tục đẩy mạnh việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc; tạo mọi điều kiện nâng cao mức thụ hưởng và tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa của nhân dân; kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững...

20 giờ 22 phút: Sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, phát biểu khai mạc Ngày hội.

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, di sản văn hóa dân tộc đối với sự phát triển đất nước. Người khẳng định: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”.

 
Tiếp tục thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Đảng về “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” và nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II năm 2022 là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Bộ trưởng kỳ vọng, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao diễn ra tại tỉnh Thái Nguyên sẽ là sự kiện văn hóa có ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội và kinh tế.

Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng du lịch, văn hóa đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung. Ngày hội không chỉ góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Đông đảo bà con nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và du khách có mặt tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp để theo dõi chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày hội.

20 giờ 10 phút: Chương trình Lễ khai mạc chính thức bắt đầu. Mở đầu là chương trình văn nghệ mở màn “Thái Nguyên hội tụ sắc màu” do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức thực hiện.

TNĐT
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: